Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL. Các cửa sông Cửu Long đã bị mặn từ giữa tháng 12/2019 và mức độ cao nhất vào các tháng 1, tháng 2, tháng 3. Vùng biển Tây, mặn ảnh hưởng gay gắt từ tháng 1 và xâm nhập sâu từ tháng 2/2020.
Trước tình hình hạn mặn phức tạp, các địa phương ở ĐBSCL cho biết, hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng có khoảng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ… Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng.
Để giúp người dân vượt qua khó khăn này, những ngày qua các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ hơn 20.000 bồn trữ nước cho người dân với các dung tích khác nhau, ưu tiên hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng. Các ngành chức năng ở Sóc Trăng tiến hành kéo dài 719.688m đường tuyến ống cấp nước tập trung, đối với công trình còn dư công suất; tỉnh Trà Vinh đã đắp nhiều đập tạm giữ nước ngọt; tỉnh Kiên Giang tiến hành thổi rửa hơn 1.200 giếng khoan nhằm tăng khả năng cấp nước…
Hầu hết các cống ngăn mặn cục bộ tại vùng ĐBSCL đã đóng cửa vì xâm nhập mặn năm nay đến sớm với cường độ mạnh
Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có khoảng 136.000 ha cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn; bằng 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xâm nhập mặn gay gắt tại khu vực ĐBSCL.
Với mục tiêu không để thiếu nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ an toàn vùng canh tác cây ăn trái và sản xuất lúa phù hợp với tình hình nguồn nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hơp với các địa phương tập trung các biện pháp ứng phó hiệu quả. Trước hết, đảm bảo cuộc sống cho người dân, không được để bất kỳ hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và đảm bảo nước cho sản xuất, bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước.
Bộ TN-MT tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Song song đó, Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.
Mai Chi (T/h)