Đồng bằng sông Cửu Long: Triều cường dâng kỷ lục vì biến đổi khí hậu

Thanh Hương (T/h)|07/10/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Triều cường dâng cao kỷ lục gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều đô thị hạ nguồn miền Tây làm sụt lún nghiêm trọng đang kéo chìm đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020, Nam Bộ sẽ xuất hiện 8 đợt triều cường nữa. Các địa phương vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và vùng có sạt lở như: An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu… sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ xảy ra ngập lụt nặng, người dân vùng ĐBSCL sẽ còn phải lo ngay ngáy mỗi đợt triều cường kéo về…

Triều cường cao kỷ lục, nhiều nơi của Cần Thơ ngập sâu

Triều cường dâng cao lịch sử

Trận ngập kỷ lục do đợt triều cường cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua khiến các đô thị ở vùng ĐBSCL bị ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt người dân, thậm chí đã cướp đi sinh mạng của một người dân trên địa bàn TP Cần Thơ.

Qua quan sát của PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ – đợt triều dâng sáng ngày 30/9, mực nước trên sông Hậu, đo được tại Cần Thơ đã lên đến mức 2,25 m – tức là vượt kỷ lục 2,23 m của năm 2018 và là mức triều cường cao nhất trong vài chục năm qua – làm nhiều quận trung tâm Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thuỷ bị ngập sâu. Công trình hồ Bún Xáng đang xây dựng với mục tiêu chống ngập cho nội ô TP Cần Thơ cũng không có tác dụng… Theo như chia sẻ của PGS Lê Anh Tuấn thì đối phó với tình trạng ngập lụt ở miền Tây chỉ còn cách là thụ động, giảm nhẹ thiệt hại chứ không được chống lại, càng chống sẽ nhận được hậu quả tương tự.

Ở quận Ninh Kiều, trung tâm TP Cần Thơ, tuyến đường Mậu Thân được xem là ngập nặng nhất. Bà Ngô Thị Thanh Trúc, ngụ ven tuyến đường này than thở: “Nhiều năm qua cứ có triều cường là ở khu vực này ngập đầu tiên và rút cũng lâu nhất, cứ ngập là phải đóng cửa, có buôn bán được gì đâu”.

Địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng chịu cảnh như một số địa phương khác, nhiều nơi nội ô của TP Vĩnh Long cũng ngập sâu. Tuyến quốc lộ 1A qua huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh đợt triều cường vừa qua ngập nặng khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ. Ông Lưu Nhuận – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Vĩnh Long – cho biết: “Đây là đợt triều cường cao nhất lịch sử mà tỉnh từng ghi nhận, mực nước đo được hiện tại là 2,18 m, cao hơn đợt ngập năm ngoái 31 cm”…

Nhận định về diễn biến của đợt triều cường vừa qua, PGS.TS Hoàng Minh Tuyển -Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ TN&MT – cho biết: “Chắc chắn ngập lụt ở miền Tây mấy hôm nay không phải do nước lũ đổ về, bởi mực nước đo được ở đầu nguồn đều đang ở mức thấp. Chính biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho mực triều dâng cao bất thường. Kể cả chân triều và đỉnh triều đều cao hơn mức trung bình trước đây từ 15-16 cm”.

Đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ ngập toàn tuyến

Ngập lụt do tác động của con người

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ triều cường dâng cao gây ngập nặng ở nhiều nơi là do hệ thống thoát nước của các địa phương xuống cấp hoặc không đồng bộ khiến cho nước không thoát được. Tuy nhiên ghi nhận từ thực tế đợt triều cường mới đây vào đầu tháng 10 mới vỡ lẽ ra, mặt nước trên sông cao hơn mặt đường thì không thể thoát ngập.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đúc kết: Hoạt động khai thác nước ngầm của người dân dẫn tới sụt lún đất. Ở ĐBSCL, việc khai thác nước ngầm từ vài trăm nghìn m3/ ngày đêm vào năm 1991 đến nay đã tăng gần 2,5 triệu m3, khiến quá trình sụt lún càng nghiêm trọng.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông – nhận định: Triều cường và sụt lún là hai tác động “kép” khiến cho ngập lụt ở các đô thị ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. “Sụt lún chính là vấn đề cấp bách đáng lo ngại nhất của ĐBSCL và nó lại do con người gây ra. Chính cái cách mà chúng ta đối xử thô bạo với thiên nhiên dẫn đến việc này” – ông Thiện nói và cho biết, có 3 nguyên nhân cơ bản gây sụt lún, ngập lụt là: Đê bao ngăn dòng; khai thác nước ngầm; lún tự nhiên tuy không đáng kể. Cũng theo Ths. Thiện, các nơi đua nhau đắp đê bao để ngăn nước vào các vườn tược. Khi không gian trữ nước ở nông thôn bị thu hẹp thì nước sẽ đổ dồn về vùng đô thị, đó là nguyên nhân khiến đô thị ngập nặng hơn vùng nông thôn.

Cùng quan điểm với Ths. Thiện, ông Nguyễn Thái Bảo – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ – đưa ra ví dụ cụ thể hơn: “Giả sử ở nông thôn có 1 ha đất cho ngập 10 cm thì chứa được 1.000 m3 nước, nhưng khi diện tích đó đắp đê bao, nước có thể dồn về vùng thành thị và gây ngập sâu gấp 3 lần. Lý do là ở đô thị, diện tích nhà ở thường được người dân tôn cao, chỉ có mặt đường giao thông chiếm 30 – 40% diện tích là dễ bị ngập. Từ đây, để chống ngập sẽ phải nâng đường, xong rồi lại phải nâng nhà. Không biết bao nhiêu ngàn tỉ đồng mới giải quyết được tình hình”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng chỉ ra nguyên nhân từ con người đang làm cho thiên nhiên ngày càng giận dữ: Tình trạng làm đê bao khắp nơi, một số đô thị thì nâng cốt nền, nói chung là mạnh ai nấy làm khiến ngập nặng ở đô thị như đang xảy ra, chẳng theo một quy luật nào cả. Ngay cả Cần Thơ đang làm dự án hồ Bún Xáng để thoát ngập cũng bị ngập sâu. Đó là chưa kể các nghiên cứu cho thấy ĐBSCL đang lún với mức độ trung bình 2-4 cm/ năm”.

Nước dâng cao hay đồng bằng đang sụt lún?

Theo các nhà khoa học, có hai nguyên nhân chính gây nên triều cường ngày càng dâng cao là nước biển dâng và đặc biệt là tình trạng sụt lún mặt đất.

Nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) cho thấy mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối khoảng từ 3-4 mm/ năm, trong khi nhiều phần diện tích ở nông thôn vùng ĐBSCL mức độ sụt lún khoảng 10-20 mm/ năm, riêng khu vực thành thị và các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm/ năm. Trong 25 năm qua (1991-2015), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18 cm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/ năm, cao hơn gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún trên là do khai thác nước ngầm quá mức.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam từng thông tin: Hơn một triệu giếng khoan nước ngầm được khai thác từ những năm 1980 ở ĐBSCL cũng là nguyên nhân chính làm vùng bị sụt lún ngày càng trầm trọng hơn.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo: “Sụt lún phải được xem là khẩn cấp, xác định nguyên nhân số 1 do khai thác nước ngầm, nên phải giảm khai thác và phục hồi sông ngòi đặt trong những bài toán cân bằng sinh thái”.

Theo Ths. Kỷ Quang Vinh, nước ngầm không phân bổ như địa giới hành chính nên việc khai thác quá mức ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau có thể ảnh hưởng đến sụt lún ở các địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang… Sự suy giảm của nước ngầm là có thể thấy rõ… Có những trạm cấp nước nông thôn khoan lấy nước sâu tới 300 m. Để ứng phó với sụt lún, ngập lụt, cần phải có lộ trình giảm, hạn chế và dần dần cấm việc sử dụng nước ngầm, dần tiến tới bơm bù nước ngầm vào lòng đất, cho dù đây là thách thức quá lớn.

Cần các giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề ngập lụt

Khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu

Những năm gần đây Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm với ĐBSCL, cụ thể Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho ra đời Nghị quyết số 120/NQ – CP, về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng lại tiếp tục hối thúc các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120, trong đó yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL. Tăng cường nguồn lực và thu hút các nguồn vốn hợp pháp trong đầu tư, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho phát triển bền vững ĐBSCL.

Gần đây nhất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân thị sát một số điểm sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL và chủ trì cuộc họp với các địa phương để quyết nhiều vấn đề quan trọng cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Thủ tướng nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là vấn đề hàng đầu, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tìm ra các giải pháp để ứng phó. Chính phủ sẽ giải quyết hoặc kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông với số vốn hơn 3.000 tỉ đồng trong 2 năm (2019, 2020). Thủ tướng còn cho rằng: Cần đánh giá tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch ĐBSCL hiện được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, đồng thời phải ưu tiên áp dụng những tiến bộ khoa học – công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở ĐBSCL chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tránh để xảy ra tình trạng làm trước hỏng sau…

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Triều cường dâng kỷ lục vì biến đổi khí hậu