Chiều ngày 23/8, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”, tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn (hơn 172.000 ha rừng), đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực Đông Nam Bộ. Trên địa bàn tỉnh, các loài động vật hoang dã chủ yếu sinh sống ở Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
Riêng tại Vườn quốc gia Cát Tiên có trên 1.500 loài động vật, trong đó hơn 110 loài nguy cấp quý hiếm, trên 40 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu như: Voi, bò tót, gấu ngựa, tê tê; trong số này có 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có hơn 1.800 loài động vật, trong đó có trên 140 loài nguy cấp, quý, hiếm; 22 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhiều loài động vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như: Voi, báo gấm, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám...
Những năm qua, các đơn vị ở Đồng Nai làm tốt công tác bảo vệ nơi cư trú động vật rừng, ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã; bảo tồn được các loài động vật hoang dã, đặc biệt là đàn voi châu Á, Voọc chà vá chân đen, giám sát bằng bẫy ảnh đánh giá bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm. Các đơn vị ở Đồng Nai triển khai các dự án cải tạo sinh cảnh cung cấp nước uống, muối khoáng cho động vật hoang dã; xây dựng trung tâm cứu hộ gấu, linh trưởng.
Theo ông Lê Văn Gọi, công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn vẫn còn những hạn chế như ý thức bảo vệ động vật hoang dã của một số người dân chưa cao, tiến hành các hoạt động nhỏ lẻ vào rừng để săn bắt, có người còn tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, thậm chí gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm. Công tác kiểm tra, kiểm soát gặp khó khăn do một số đối tượng sử dụng mạng xã hội để buôn bán động vật hoang dã.
Sau Hội thảo khởi động này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai những hoạt động như: Tăng cường thực thi pháp luật trong phòng, chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép; truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh ăn uống về việc không săn bắt, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trái phép; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven rừng, giảm thiểu sự tác động trái phép của người dân vào rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, tỉnh đang triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi và phát huy hiệu quả tốt. Năm 2014, số lượng voi rừng ở Đồng Nai là khoảng 14 đến 16 cá thể; đến nay dữ liệu bẫy ảnh xác định được khoảng 25 đến 27 cá thể. Dự án điều tra bầy Voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) đã xác định được 7 đàn Voọc đang sinh sống với số lượng gần 160 cá thể.
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã xử lý vi phạm hành chính và hình sự 95 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, qua đó tịch thu 1.200 cá thể, hơn 43 kg sản phẩm động vật rừng các loại. Cùng thời gian trên, Đồng Nai đã tiếp nhận chăm sóc, cứu hộ và thả, tái thả hàng nghìn cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng gây nuôi nhập động vật trái phép từ tự nhiên.