Đồng Tháp: Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng

Thanh Tú|17/09/2022 10:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2022.

Ngày 14/9 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản 221/BC- UBND về việc triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2022. Văn hành được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành nhằm thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến hết năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích rừng là hơn 6.161 ha. Trong đó, diện tích rừng trồng là 5.723 ha, diện tích đã trồng chưa thành rừng là 438,86 ha. Phân theo mục đích sử dụng, rừng đặc dụng là 2.748 ha, rừng phòng hộ là 1.034 ha, rừng sản xuất là 2.324 ha, rừng trồng ngoài quy hoạch là 53 ha. Độ che phủ rừng của tỉnh đến ngày 31/12/2021 là 1,69%, tăng hơn 0,04% so với cùng kỳ năm trước.

Để bảo vệ rừng, UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và Bảo vệ, phòng chống cháy rừng tỉnh Đồng Tháp thực hiện công tác quản lý, điều hành thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh phụ trách kinh tế làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban Thường trực; văn phòng Thường trực sẽ đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

phat-trien-rung.jpg
Vườn Quốc gia Tràm Chim thu hút rất nhiều động vật quý hiếm sinh sống nhờ đa dạng sinh học

Về vấn đề triển khai thực hiện Chương trình, UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, kế hoạch số 1938/KH-SNN ngày 16/7/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển lâm nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2022 nhằm triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, theo dõi diễn biến rừng, quản lý tài nguyên rừng.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu bố trí vốn ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

Cụ thể, ngân sách Trung ương chi 500 triệu đồng được phân bổ tại Quyết định số 890/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 (phần nhiệm vụ chi thường xuyên bố trí trong Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020). Tỉnh Đồng Tháp đã phân khai kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện cho công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 và mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh Đồng Tháp chi 750 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng.

Đối với công tác triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình 809 năm 2022 về việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thì thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng đặc biệt vào mùa khô, tập trung vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, hạn chế tối đa xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng.

Đồng thời, quản lý rừng bền vững, đặc biệt đối với các khu rừng có đa dạng sinh học cao như Vườn quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Gáo Giồng; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước; Sử dụng và phát triển; nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Tháp, diện tích rừng trồng của tỉnh là 300 ha (trồng lại rừng sau khai thác); diện tích rừng khai thác là 300 ha; diện tích trồng cây lâm nghiệp phân tán (thực hiện theo Đề án trồng một tỷ cây xanh): 400.000 cây.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu, đối với diện tích rừng sau khai thác phải đầu tư lên liếp trồng lại rừng sau khai thác, thực hiện hiệu quả các biện pháp lâm sinh nhằm năng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Đối với công tác quản lý rừng bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tiếp tục hướng dẫn các đơn vị quản lý rừng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định, đặc biệt tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; Phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra thực hiện phương án quản lý rừng của các chủ rừng; thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; thực hiện tốt công tác quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; quản lý lâm sản.

Bài liên quan
  • Bắc Ninh: Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn 2023 - 2030
    UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2030” nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ tình hình vi phạm về bảo vệ rừng và PCCCR để giảm diện tích rừng bị thiệt hại so với giai đoạn trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng