Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, còn mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, trên thực tế mùa mưa thường tập trung vào các tháng 8, 9, 10, trong khi đó lượng mưa trung bình năm lại thấp, chỉ đạt 1.024 mm. Trong khi đó tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn ít. Do vậy, hàng năm hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Hồ chứa nước Ka Pét với dung tích chứa hơn 51 triệu m3, là dự án người dân vùng hạn Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận mong chờ suốt 20 năm qua. Vì không có nước, hiện nay hơn 7.700 ha đất nông nghiệp tại địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tại vùng lõi hạn, các hộ dân phải ra tận lòng sông đào giếng tìm nước phục vụ sinh hoạt và cho gia súc uống.
"Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân"
Dự án hồ chứa nước Ka Pét (hồ Ka Pét) thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội khóa XIV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 do có phát sinh tiêu chí chuyển đổi rừng đặc dụng.
Dự án được điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết của Quốc hội khóa XV số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.
Nhiệm vụ của hồ chứa nước Ka Pét là cung cấp nước tưới cho 7.762 ha đất nông nghiệp, cấp nước thô 2,63 triệu m3/năm cho Khu công nghiệp và cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,62 ha, bao gồm: 137,95 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ; 440,4 ha rừng sản xuất; 40,72 ha rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đất không có rừng là 60,14 ha và diện tích sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Thời gian thực hiện dự án từ 2019 đến 2025.
Thông tin về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam đang được dư luận cực kỳ quan tâm, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, dự án hồ Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội phê duyệt vào năm 2019 và điều chỉnh vào năm 2023. Quy mô hồ Ka Pét có dung tích trên 51 triệu m3, tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỉ đồng.
Theo ông An, vị trí hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất nhưng ít tổn hại rừng. Tỉnh Bình Thuận đã phân tích nhiều phương án để tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết thêm, tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của dư luận, các nhà khoa học đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét. Nếu dự án có điều bất cập cần điều chỉnh thì tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu các góp ý, đóng góp. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc cung cấp, điều tiết nước cho nhiều vùng khô hạn tại Bình Thuận. Theo ông An, bây giờ là mùa mưa, có thể chưa phản ánh hết sự khô hạn của vùng dự án này mà người dân phải gánh chịu.
"Nước là tài nguyên. Rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Nhưng rừng có thể tái tạo được, dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được. Cũng có phương pháp lấy nước biển làm nước ngọt nhưng rất tốn kém, điều kiện hiện nay tỉnh chưa thể đáp ứng", ông Dương Văn An chia sẻ.
Cân nhắc kỹ lưỡng và bài toán được - mất
Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét là đáp ứng mong mỏi của người dân về vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất, song nhiều ý kiến cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến việc trồng rừng tự nhiên để thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thông tin về khu rừng hơn 600 ha sẽ được khai thác, chuyển đổi để làm dự án hồ chứa nước Ka Pét, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã thông tin về diện tích các loại rừng sẽ khai thác.
Cụ thể, tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30-12-2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích 434,22 ha (cho 144,74 ha rừng tự nhiên).
Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại (1.410,32 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội khóa XV cho biết: việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng và bà con nơi đây đang mong mỏi trước vấn đề khô hạn thiếu nước ở địa phương. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du, phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Để thay thế cho hơn 600 ha diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi làm dự án hồ Ka Pét, tỉnh Bình Thuận tổ chức trồng mới với hơn 1.844 ha, việc trồng rừng thay thế theo Luật Lâm nghiệp và trong Nghị quyết 101 của Quốc hội. Ngoài ra, dự án hồ Ka Pét trữ nước dùng để tưới tiêu, sản xuất, sinh hoạt. Các dự án phát triển xã hội chúng ta không đánh đổi môi trường bằng phát triển kinh tế đơn thuần, nhưng nếu nguồn lợi đem lại rất lớn mà ảnh hưởng đến môi trường và xã hội ít hơn thì chúng ta nên làm và thời điểm này nhất là những nơi thiếu nước như là tỉnh Bình Thuận thì càng cần phải tập trung nghiên cứu để tiến hành triển khai dự án.
"Trước mỗi dự án liên quan đến vấn đề môi trường và tác động lớn đến cuộc sống của người dân, điều gì là quan trọng nhất và cần thiết phải tính đến trước khi đưa ra quyết định thực hiện, đối với dự án hồ Ka Pét, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã thẩm tra rất nhiều lần và các đoàn của Thường trực Ủy ban cũng đã đến kiểm tra thực địa rất nhiều lần, Quốc hội cũng đã đánh giá rất kỹ, rất cẩn trọng chứ không phải là vội vàng. Tuy nhiên, tôi cũng muốn khẳng định lại 1 lần nữa không phải vì thế mà chúng ta phớt lờ những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chúng ta cần tôn trọng các ý kiến phản biện và chúng ta cần đánh giá lại 1 lần nữa, và từ đó truyền thông rộng rãi cho các học giả, cho nhân dân, cho những người quan tâm, rồi sau đó đạt được sự đồng thuận từ nhiều phía thì khi dự án được triển khai sẽ được bền vững hơn", ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.700 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực vùng hạn. Hồ Ka Pét sẽ điều tiết, giảm lũ, cải tạo môi trường và phát triển du lịch. Cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung sẽ khởi sắc trên mảnh đất này.