Nhiều giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường

Hoài An|03/09/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt trên 200 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 4 giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Chất lượng thẩm định các thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường được nâng lên, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và cơ chế liên thông một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Toàn tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động 3 khu, cụm công nghiệp khai thác khoáng sản chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, như: Đá vôi, cát sạt, cát sỏi; các cơ sở chế biến công nghiệp chủ yếu là nông sản, như: Mía đường, tinh bột sắn, cà phê... Hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản.

f1e71ece-6621-4361-9d79-14ce90856d41.jpeg
Đoàn viên thanh niên Sơn La tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường

Kết quả, đã kiểm soát hoạt động thu gom, xử lý chất thải và phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tập trung kiểm soát, theo dõi việc thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT), đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở, khu vực hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, có nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri, cơ quan truyền thông và người dân để kịp thời xử lý theo quy định.

Khu công nghiệp Mai Sơn quy hoạch 150 ha; trong đó, giai đoạn I quy mô 63,7 ha. Sau 7 năm đi vào hoạt động, đến nay, Khu công nghiệp có 8 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 691 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 500 tỷ đồng, đạt 71% tổng vốn đầu tư đăng ký, tỷ lệ lấp đầy đạt 41%, với gần 20 ha.

Ông Trà Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc cho biết: Khu công nghiệp Mai Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom nước thải. Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 2.500 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ “Tiền xử lý hóa lý kết hợp với công nghệ xử lý sinh học A-O ứng dụng giá thể vi sinh chuyên dụng MBBR”, hiện nay đang lắp đặt máy móc, thiết bị, dự kiến đi vào hoạt động vận hành trong năm nay. Về chất thải nguy hại phát sinh ước tính khoảng 0,42 tấn/năm, chủ yếu là dầu, nhớt thải; giẻ lau dầu mỡ; ắc quy thải... các doanh nghiệp tự thu gom, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Ban Quản lý KCN đã hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp phân loại, thu gom, lưu trữ đúng quy định, nhất là quy định với khu vực lưu giữ.

Đối với việc kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đốt rơm rạ... các huyện, thành phố đã phát động 5.000 lượt người ra quân, thu gom gần 60.000 kg vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Toàn tỉnh có 4.775 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đã có nhiều cách làm mới, như chương trình “Đổi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy thực phẩm” tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn; xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, qua đó, thu gom 1.550 kg gói thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí quy đổi hơn 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã vận chuyển 47.500 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đi xử lý, tiêu hủy đúng quy định.

Đối với chất thải y tế, toàn tỉnh có 36 cơ sở y tế, trong đó, 20 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu; còn 16 cơ sở chủ yếu chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng, ít hoạt động khám, chữa bệnh, nên lượng nước thải y tế phát sinh rất ít, được xử lý bằng bể lắng, phương pháp sử dụng hóa chất khử trùng CloraminB.

Về xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại, toàn tỉnh đã hoàn thành 7 dự án xử lý chất thải rắn là khu chôn lấp và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên; công nghệ đốt ở huyện Sông Mã, Vân Hồ, Sốp Cộp và Thuận Châu, với tổng số vốn gần 122 tỷ đồng. Đồng thời, có một số dự án tham gia đề xuất đầu tư về hoạt động xử lý chất thải, năng lượng, như: Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty cổ phần đầu tư môi trường Đông Nam Á; phương án xây dựng Khu liên hiệp xử lý ô nhiễm thu hồi Metan phát điện cụm Thành phố Sơn La - Thuận Châu - Mai Sơn - Mường La; xây dựng khu liên hiệp xử lý ô nhiễm, thu hồi Metan phát điện cụm Mộc Châu - Vân Hồ...

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, có 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai một số nội dung liên quan đến việc bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và thiết bị lấy mẫu tự động, kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến Sở TN&MT, chậm nhất ngày 31/12/2024. Thực hiện quan trắc nước thải định kỳ, tự động, liên tục đối với KCN, công khai kết quả quan trắc theo quy định...

Việc giám sát từ sớm, từ xa, thông qua ứng dụng các công nghệ quan trắc tự động, liên tục, trực tuyến giúp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường