Khối cường quốc công nghiệp G7, gồm 7 thành viên Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý, nhất trí tăng tốc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch như than và dầu khí. Đồng thời, đồng ý thúc đẩy phát triển năng lượng gió và mặt trời. Cam kết này được đưa ra trong tuyên bố chung hôm 16/04 của Hội nghị Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 vừa kết thúc ở thành phố Sapporo, Nhật Bản.
Các quan chức đã đưa ra một thông cáo dài 36 trang, nhấn mạnh các cam kết của họ trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5. Nhật Bản đã giành được sự tán thành từ các quốc gia G7 cho chiến lược năng lượng than sạch, hydro và hạt nhân để giúp đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong hai ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng G7 ở Sapporo tập trung xác định các biện pháp hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng carbon của khối này về mức 0 vào năm 2050 bằng cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 năm ngoái, các đại biểu cam kết chấm dứt gần như hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện vào năm 2035.
Tại hội nghị năm nay, các bộ trưởng G7 cam kết đến năm 2040 chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa và giảm số lượng sản phẩm nhựa mới xuống 0.
Tuyên bố chung đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt, tuy nhiên, các Bộ trưởng cũng cho rằng đầu tư vào lĩnh vực khí đốt, theo cách phù hợp với các mục tiêu khí hậu, có thể là sự lựa chọn phù hợp hiện nay để ứng phó rủi ro thiếu hụt nguồn cung do tác động của cuộc xung đột Nga- Ukraine. Nhật Bản, nước phụ thuộc vào nhập khẩu hầu hết nhu cầu năng lượng, muốn sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu chuyển tiếp trong ít nhất 10-15 năm.
G7 tự xác định khối này đóng vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh toàn cầu để khử carbon. Do vậy, tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 sẽ gửi tín hiệu chính trị quan trọng để tác động đến các cuộc đối thoại về năng lượng và khí hậu đa phương trong thời gian còn lại của năm nay.
Các cuộc đàm phán ở Sapporo cũng mang lại những cam kết hợp tác về các chính sách môi trường khôn ngoan và công bằng về năng lượng, nước, nông nghiệp và biển. Các Bộ trưởng cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa, nhằm đưa ô nhiễm nhựa mới về 0 vào năm 2040.