An ninh nguồn nước

[Góc nhìn tuần qua]: Chủ động ứng phó xâm nhập mặn - Chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu

Ban Biên tập Moitruong.net.vn 29/03/2025 11:00

Mùa khô 2024-2025, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được ngành chức năng dự báo từ sớm và sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt ở vùng ven biển.

Góc nhìn tuần qua: Chủ động ứng phó xâm nhập mặn - Chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngay những tháng đầu năm, xâm nhập mặn đã vào sâu trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu từ 30-45km, có thời điểm từ 60-70km. Dự báo dòng chảy trên sông Cửu Long tháng 4/2025 chỉ bằng hơn 67% lưu lượng so với trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn có thể xâm nhập sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, với sự chủ động của các địa phương và việc vận hành linh hoạt các công trình kiểm soát mặn đã giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở vùng ven biển.

Dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong mùa khô này chỉ bằng khoảng 60 - 75% mức trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn tùy thời điểm ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Sắp tới, Đồng bằng sông Cửu Long có 2 đợt mặn cao đáng chú ý là từ 30/3 đến 3/4 và 27/4 đến 30/4 với ranh giới mặn 4g/l, vào sâu các cửa sông từ 40 - 50 km, Hàm Luông lên đến 55 - 57 km từ cửa sông. Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long với lưu lượng bình quân tại trạm Kratie - Campuchia từ ngày 1/4 đến 30/4/2025 vào khoảng 3.628 m3/s. Giảm khoảng 173 m3/s so với tháng 3/2025, thấp hơn khoảng 287 m3/s so với cùng kỳ và cao hơn khoảng 589 m3/s với cả năm 2024.

Theo dự báo, xâm mặn cao có thể trở lại vào các kỳ triều cường từ 30/3 đến 3/4 và 27/4 đến 30/4. Xâm nhập mặn cao nhất là 4 g/l đi sâu vào các cửa sông khoảng 40 - 50 km, ngoại trừ nhánh Hàm Luông có thể lên đến 55-57 km.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kiến nghị kế hoạch sử dụng nước cho các địa phương vùng ĐBSCL, cụ thể như đối với vùng thượng ĐBSCL nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước.

Mùa khô ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có 2 đợt triều cường lớn nên gây mặn xâm nhập cao. Do đó, các giải pháp vận hành, khai thác phải được đồng bộ để mang lại hiệu quả cao. Người dân, chính quyền địa phương cần chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước và dịch chuyển thời vụ để hình thành thói quen chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, có những giải pháp để chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn, mặn, chủ động tích trữ, sử dụng nước hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt. Với tính chủ động trong phòng, chống hạn mặn thời gian qua đã giúp cho các địa phương bảo đảm nguồn nước trong trong sản xuất và sinh hoạt. Về chiến lược lâu dài, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để phân phối, điều tiết hiệu quả nguồn nước và điều chuyển nguồn nước từ những khu vực dồi dào sang những vùng thiếu hụt để cùng chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua]: Chủ động ứng phó xâm nhập mặn - Chung tay thích ứng với biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.