Bảo vệ môi trường

Hà Nam triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024"

Thanh Thanh 27/09/2024 10:00

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; UBND các huyện, thị xã và thành phố phát động, triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024".

Theo đó, nội dung Công văn nêu rõ, việc phát động triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024" nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên.

Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học; tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm thiết thực như: Không bọc sách vở bằng nilon; Phân loại, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt; Cuộc thi tìm hiểu về môi trường,...

Cùng với đó, tổ chức, phát động các phong trào, hoạt động cộng đồng về môi trường như: ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải phát sinh hàng ngày và từ các hoạt động kinh tế - xã hội, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước,...

ha-nam.jpg
Hà Nam triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024"

Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão như: tổ chức thu gom rác thải, bùn đất trôi dạt do bão lũ, vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy đối với các hệ thống thu gom, thoát nước tại các đô thị và khu vực tập trung dân cư, chợ, khu vực dịch vụ thương mại; tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với các khu vực có nguy cơ phát tán ô nhiễm cao như bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải sinh hoạt, kho thuốc bảo vệ thực vật, kho hóa chất, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ ở y tế, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung,...

Đồng thời rà soát, thống kê, theo dõi và phát hiện kịp thời, lập phương án sẵn sàng để có biện pháp ứng phó, xử lý khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường do mưa lũ sau bão và sạt lở đất, đặc biệt là sự cố rò rỉ kho hóa chất, vỡ hồ chứa nước thải, vỡ hệ thống thu gom, thoát nước thải, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thu gom, quản lý chất thải đảm bảo sức khỏe, vệ sinh môi trường.

Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, chính quyền các cấp đối với các cơ sở, khu vực có nguy cơ phát tán ô nhiễm cao, không để lợi dụng tình hình thiên tai và mưa lũ, thực hiện hoạt động xả thải chất thải không được xử lý theo quy định ra môi trường; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nếu có.

Thực hiện lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế (thiết kế vì môi trường). Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hóa, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân,… trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…); tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện các phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được triển khai, áp dụng để phát hiện, nhân rộng các gương điển hình, các mô hình, sáng kiến, giải pháp hay trên địa bàn tỉnh. Khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nam triển khai các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2024"
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.