– Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa không còn là vấn đề đơn giản. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực cùng cả nước chung tay chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
>>> Kiên Giang: Nói không với thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
>>> Phát minh “gỗ trong suốt” thân thiện với môi trường thay thế kính
Với đặc tính bền vững tự nhiên, rác thải nhựa khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Vấn đề xử lý rác thải nhựa tạo ra thách thức lớn không chỉ cho riêng cá nhân hay tổ chức nào mà là vấn đề của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thực tế hiện nay tại nhiều cửa hàng, quán ăn, chợ “cóc”… đều sử dụng đồ nhựa để bao gói, phục vụ khách hàng. Các sản phẩm làm từ nhựa với sự tiện lợi, nhanh gọn và đặc biệt giá thành rẻ đã thu hút và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa mang lại các tiện ích trong sinh hoạt nhưng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sức khỏe con người.
Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN
Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra Việt Nam đang xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới tính đến thời điểm năm 2018. Tại Hà Nội, trong 4.000 đến 5.000 tấn rác thải hàng ngày thì rác thải từ ni lông chiếm 7- 8%.
Đáng nói, rác thải từ ni lông gia tăng từng năm và là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống của Thủ đô trong tương lai.
Từ nhiều năm nay, người dân Triều Khúc thường thu gom rác thải nhựa ở khắp nơi về phân loại và tái chế. Nghề này là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nơi đây.
Làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) chuyên thu mua nhựa thải về băm chặt, nghiền và nấu nhựa để tái chế nhựa đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân nơi đây và khu vực lân cận
Các cơ sở thu gom, tái chế nhựa làm việc hàng ngày, đa phần áp dụng phương pháp thủ công. Rác thải nhựa không được phân loại mà vứt chung thành các bao lớn, nằm ngổn ngang. Tất cả chỉ được rửa sạch bằng việc nhúng qua nước, nghiền nhỏ, phơi khô và vận chuyển cho các cơ sở tái chế tiếp theo.
Ở đây, nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm do ảnh hưởng từ môi trường sống làng nghề, đặc biệt là mắc ung thư do ô nhiễm nguồn nước.
Rãnh thoát nước thải trong làng Triều Khúc dù đã được xây bê tông kiên cố những vẫn bốc mùi hôi thối do lượng nước thải từ các hộ sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề. Tất cả đều được xả trực tiếp xuống cống chung mà không qua hệ thống xử lý nước thải nào.
Chắc hẳn nhiều người đã từng nhìn thấy cảnh chai nước do ai đó uống xong rồi tiện tay quăng vào gốc cây bên đường, trên ghế đá hay miệng hố ga trước cửa nhà.
Hành động “bạ đâu xả đó” khiến môi trường ô nhiễm, trở nên mất mỹ quan và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Những chiếc chai nhựa, hộp nhựa nằm chỏng chơ trên mặt đường, ngõ ngách hoặc vứt tại công cộng, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Thủ đô.
Ý thức kém, lười biếng và thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người “tiện tay thì vứt” khiến cho việc thu gom, tập kết và phân loại rác thải nhựa với các loại rác thải khác hết sức khó khăn. Những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải làm việc hết sức trong thời gian dài để giúp cho môi trường sạch đẹp
Trong khi đó, công nghệ hiện nay của Hà Nội trong xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt. Do vậy, để có môi trường sống tốt hơn đòi hỏi nhiều biện pháp nhất định nhằm tiến tới loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống.
Mới đây, một số siêu thị ở Hà Nội đã không sử dụng túi ni lông để gói hàng, thay vào đó là dùng lá chuối. Việc làm này của các siêu thị đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc viết thư khen trong đó có đoạn: “Đây là biện pháp thiết thực để hạn chế việc sử dụng và thải rác ni lông ra môi trường, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm, thói quen sử dụng túi ni lông của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng”.
Ngọc Linh (t/h)