Hà Nội: Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch

Hoài Thương (T/h)|30/09/2019 01:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 27/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch.

Tại hội thảo “Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch: Thực hành hiện nay và khuyến nghị cho Việt Nam”,  ông Nguyễn Đức Dương – đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn và khu công nghiệp trên cả nước, ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội. Tuy vậy, Việt Nam đang thiếu các số liệu liên quan và các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm không khí để thông tin tới người dân một cách minh bạch và nhất quán.

Ảnh minh họa

TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) nhấn mạnh, thời gian gần đây chất lượng không khí đô thị đang là một vấn đề nóng, trong đó có vụ cháy ở Nhà máy cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Hà Nội) gây ô nhiễm thủy ngân trong không khí, nước và đất; chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong một số ngày gây bụi PM2.5 rất cao… làm người dân Thủ đô lo lắng. Hơn nữa, để xây dựng “thành phố thông minh” tại Việt Nam thì còn thiếu và yếu (thiếu trạm, không bền vững) về dự báo chất lượng không khí, số lượng khí tượng khó tiếp cận, phải mua; không xác định chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm; đồng thời mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể và kiểm kê nguồn phát thải vẫn chưa được đặt ra; thiếu chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính…

Hội thảo có 3 chủ đề kỹ thuật được quan tâm, gồm: Sử dụng máy đo chất lượng không khí giá thành thấp cho quan trắc; Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe; Mô hình hóa ô nhiễm không khí tại các thành phố. Các chủ đề này đề cập những vấn đề như thúc đẩy khoa học công dân bằng máy đo giá thành thấp; xu hướng quốc tế trong quản lý chất lượng không khí “thành phố thông minh,” ứng dụng cảm biến giá thành thấp trong nghiên cứu.

Đây chính là cơ hội để các trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cơ quan nhà nước giao lưu và trao đổi thông tin về các chủ đề liên quan, qua đó củng cố mạng lưới các chuyên gia và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chất lượng không khí. Đặc biệt là thúc đẩy việc tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất để cải thiện chất lượng không khí hiện nay…

Hoài Thương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.