Hà Nội: Lãng phí nước sinh hoạt phục vụ hoạt động rửa xe

Mai Ngọc (T/h)|11/10/2019 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều khu vực, hộ dân ở Hà Nội thiếu nước sạch sinh hoạt, thì nhiều điểm rửa xe máy, xe ôtô lại sử dụng nước sạch trái phép một cách lãng phí vô tội vạ.

Việc các cửa hàng rửa xe lãng phí một lượng lớn nước sạch sinh hoạt và còn xả trực tiếp ra ngoài môi trường gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

oạt động dịch vụ rửa xe hiện nay trên địa bàn thủ đô hầu như không có cơ sở nào đáp ứng được những quy định tối thiểu về điều kiện môi trường.

Điều này đã gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như kết cấu hạ tầng giao thông, bởi nước tẩy rửa từ các dịch vụ này hầu hết đều xả thẳng ra vỉa hè, lòng đường. Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, các quy định, thông tư đều quy định rõ, trong đó, những chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ rửa xe phải lập đề án bảo vệ môi trường và có hồ sơ trình UBND cấp quận, huyện để đăng ký, bao gồm, giấy đăng ký kinh doanh; Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt; Hợp đồng, chứng từ về việc thu gom, vận chuyển rác thải, chất thải sinh hoạt; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (nếu sử dụng trên 5m3/ngày đêm); Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (nếu thuộc diện phải lập sổ); Hợp đồng, chứng từ thu gom vận chuyển chất thải nguy hại; Giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm (nếu có giếng khoan); Hợp đồng thuê, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hóa đơn tiền nước 3 tháng gần nhất…

Nhiều điểm rửa xe tại Hà Nội lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xả thải thẳng ra môi trường

Tuy nhiên, thực tế trong số hàng ngàn cơ sở hoạt động dịch vụ rửa xe hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, đều không có đầy đủ các loại giấy tờ trên. Nước thải, đất cát, hóa chất tẩy rửa xe hầu hết đều được xả thẳng ra vỉa hè, lòng đường, thậm chí nhiều cơ sở dùng luôn vỉa hè, lòng đường làm nơi rửa xe, nước rửa xịt bắn tung tóe, bắn cả vào người tham gia giao thông.

Tại phố Cao Bá Quát, quận Ba Đình, Liên Trì, Nhà Hỏa, quận Hoàn Kiếm, hồ Ba Mẫu quận Đống Đa là phố rửa xe khá nổi tiếng ở Hà Nội. Xe máy, xe ôtô chiếm luôn vỉa hè, lòng đường để làm nơi rửa xe. Nước thải tràn ra hè đường nhưng không có biện pháp xử lý, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố.

Một cán bộ UBND phường Cát Linh cho rằng, để quản lý các điểm rửa xe rất khó khăn, do các hộ này chủ yếu tự phát, làm ăn nhỏ lẻ. Hơn nữa, chế tài xử lý hiện nay còn hạn chế nên chưa đủ sức răn đe. Nếu cắt nước sinh hoạt, các hộ dùng giếng khoan. Thậm chí, có điểm đi thuê lại mặt bằng, nếu cắt nước điểm rửa xe, sẽ cắt luôn nước của chủ hộ. Nước thải từ rửa xe đang gây ô nhiễm môi trường, nhưng nguy hại hơn là trong nước thải có lẫn đất, cát, dầu nên lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn cống, dẫn đến tiêu thoát nước khó khăn, xảy ra úng ngập.

Phòng Tài nguyên Nước – Sở TNMT Hà Nội cho biết, việc khoan giếng phục vụ mục đích sinh hoạt cá nhân là không bị cấm, tuy nhiên khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm vào mục đích kinh doanh cần phải tuân thủ những nguyên tắc pháp luật đã quy định. Mà điều này thì hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe hiện nay đều không chấp hành.

Bởi lẽ nước ngầm cũng là nguồn tài nguyên dự trữ rất quan trọng, khi mà nguồn nước mặt không đảm bảo được chất lượng thì nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá để chúng ta có nguồn vẫn tiếp tục phục vụ lợi ích của cộng đồng, của nhân dân…

Nước ngầm, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác là hữu hạn. Do đó, các tổ chức, cá nhân, các đơn vị kinh doanh cần phải tuân theo những quy định trong việc khai thác nguồn tài nguyên này, nhằm đảm bảo không lãng phí nguồn nước, cũng như gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trong quá trình hoạt động của mình…

Một cán bộ Phòng Thanh tra của Cty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết, các điểm rửa xe thường dùng thủ đoạn rửa xe bằng nước giếng khoan hoặc nước mưa, sau tráng lại bằng nước máy. Hoặc cũng có điểm thường sử dụng 2 van, một van là nước máy, một van là nước giếng khoan. Khi thấy lực lượng đến kiểm tra, họ chỉ cần xoay van là xoá hết bằng chứng. Đây là hành vi ăn cắp nước sinh hoạt phổ biến.

“Tuy nhiên tình trạng ăn cắp nước hiện nay đã giảm bởi mức xử phạt truy thu rất nặng” – vị này thông tin.

Mai Ngọc (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Lãng phí nước sinh hoạt phục vụ hoạt động rửa xe