Hà Nội mưa xối xả khiến đường phố ngập sâu, ùn tắc

Minh Lâm|28/09/2023 11:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mưa lớn trên địa bàn TP Hà Nội đêm 27/9 đến rạng sáng 28/9 khiến các phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhiều đoạn đường "chìm" trong nước.

ha-noi-2.jpg
Ùn tắc giao thông khi người dân đi làm vào thời điểm mưa lớn.

Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa ghi nhận “kỷ lục” khi lên đến 202,1mm (tại Mỹ Đức); 180,5mm (Ứng Hòa); 105,1mm (Hoàng Mai); 96,7mm (Đông Anh)...

Đặc biệt, từ khoảng 7h ngày 28/9, mưa trắng trời lại tiếp tục xuất hiện. Chỉ trong khoảng 2 giờ, lượng mưa đo được cao nhất tại Hoàng Mai lên đến 100mm; Hà Đông 96mm; Thanh Xuân 75mm; Thanh Trì 71mm; Nam Từ Liêm 70mm... Mưa lớn đúng giờ cao điểm sáng đã gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

ha-noi-3.jpg
Phương tiện giao thông nối đuôi nhau dưới trời mưa lớn

Mưa liên tiếp với lưu lượng lớn đã khiến hệ thống thoát nước đô thị của thành phố quá tải (công suất hệ thống thoát nước tại những khu vực đã được đầu tư, cải tạo chỉ đáp ứng thoát nước với lượng mưa 50mm/2 giờ; 300mm/2 ngày).

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo thời tiết hôm nay (28/9), khu vực Hà Nội nhiều mây, có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to và dông. Gió đông đến đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

ha-noi-1.jpg
Công nhân thoát nước Hà Nội ứng trực tại các điểm ngập úng để giải quyết thoát nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 898/CĐ-TTg ngày 28/9/2023 chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Công điện nêu rõ, từ ngày 25 tháng 9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".

Bài liên quan
  • Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều nỗ lực thích ứng với hạn, mặn
    Sau những đợt hạn lịch sử vào năm 2016 và 2020, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn ở trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với hạn, mặn vào mùa khô hàng năm. Những phương thức “sống chung” với hạn, mặn được bà con vùng đất châu thổ này sử dụng linh hoạt hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội mưa xối xả khiến đường phố ngập sâu, ùn tắc