(Moitruong.net.vn) – Chiều 19/9, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, từ nay đến năm 2018, TP Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường làng nghề; hoàn thiện các cơ chế chính sách về quản lý và phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định trao đổi với báo chí
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết: theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội thực hiện, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề đã đăng ký và được công nhận đến hết năm 2016 là 297 làng nghề.
Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, trong đó, có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, các làng nghề tại Hà Nội được phân theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghề; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và các loại hình khác. Đa số các làng nghề ít đầu tư cho xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý môi trường, chủ yếu xả thẳng ra môi trường dân sinh.
Theo số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên và Môi trường tại 22 cụm và 43 làng nghề, cũng như kết quả của Tổng cục Môi trường cho thấy, từ năm 2007, không khí ở một số làng nghề của Hà Nội có nồng độ bụi vượt 1,4-1,6 lần giới hạn; các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn; nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao. Nước ngầm ở các khu vực này cũng chịu các hoạt đồng từ ô nhiễm nước thải ở mức khá nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát sinh ô nhiễm cao, tuy nhiên, tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với nước thải có khoảng 35,6 hộ gia đình không xử lý; 60% còn lại chỉ có hệ thống xử lý thô sơ.
Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.
Để triển khai quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội đã đặt ra từng giai đoạn thực hiện cụ thể (giai đoạn 2017-2020 và 2020-2030). Trong đó, giai đoạn 2017-2018 tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; đánh giá phân loại làng nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định: Thành phố đặc biệt là nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xã hội hoá và mô hình quản trị chất thải (rắn, lỏng, khí) cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Trong nhóm giải pháp về chính sách, Hà Nội theo dõi và xác định các làng nghề ô nhiễm và đề xuất phương án xử lý; tổ chức thu phí bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường tại làng nghề. Nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề bảo đảm đến năm 2030 cơ bản các làng nghề trên địa bàn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thành phố quản lý các công nghệ sản xuất nhằm hạn chế việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào làng nghề và khu vực dân cư nông thôn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường tại các làng nghề.
Ngoài ra, Thành phố khuyến khích việc xây dựng Hương ước, Quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cụ thể hoá các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của Thành phố, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc đối với các hộ, cơ sở sản xuất làng nghề.
Một nhóm giải pháp quan trọng TP đặt ra là quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Giải pháp này áp dụng trong một số hình thức, tuỳ thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương. Đó là, quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp: Quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề.
Hình thức thứ hai là quy hoạch phân tán (quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình), với loại hình quy hoạch này cần phải tổ chức bố trí không gian nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường mà không cần phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng… lưu giữ nét cổ truyền, văn hoá của làng nghề kết hợp với dịch vụ du lịch. Ngoài ra, quy hoạch phân tán kết hợp tập trung theo hình thức di dời các công đoạn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như công đoạn tẩy, nhuộm (làng nghề nhuộm), công đoạn mạ (thuộc làng nghề cơ khí)… vào khu, cụm công nghiệp.
Việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung thực hiện theo hình thức lập danh mục các làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời, trước mắt tập trung vào nhóm loại hình tái chế giấy, tái chế nhựa, cơ kim khí, nhuộm, giết mổ và làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất với lộ trình phù hợp.
Các làng nghề, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư nông thôn cần di dời vào khu, cụm công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất… và phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường đối với khu, cụm công nghiệp tập trung.
Theo HNP