Hà Nội yêu cầu tăng cường các biện pháp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường

Hoàng Minh|21/09/2020 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.

Ảnh minh họa.

Hiện nay hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt trước khi vận chuyển đến các khu xử lý tập trung diễn ra phổ biến tại các địa phương làm phát sinh các khí thải như: CO2, CO, CH4, NH3, SO2,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường không khí xung quanh, sức khỏe con người và các hoạt động giao thông vận tải.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TU của Thành ủy và Nghị quyết số 05/NQ – HĐND của HĐND thành phố, từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã liên tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tác động của khói bụi do đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định đối với sức khỏe và môi trường Thành phố. Mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng nhưng hiệu lực thì chưa đạt kết quả như mong muốn.

Để tiếp tục thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, Luật trồng trọt, các quy định của pháp luật, Nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Theo Chỉ thị trên, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.

Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện Chỉ thị.

UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố chỉ đạo hướng dẫn triển khai các mô hình thu gom, phân loại, tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt, rơm rạ và phụ phẩm cây trồng bảo đảm thân thiện môi trường và sức khỏe; phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức giám sát và công khai các hành vi đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn.

Hoàng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội yêu cầu tăng cường các biện pháp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường