Hàng chục ngàn ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước tưới

Quang Anh|07/06/2020 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện có hơn 1.800 ha diện tích cây trồng và gần 66.000 hộ dân của nhiều địa phương trong cả nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), trong tuần từ ngày 30/5 đến ngày 5/6, tại tỉnh Nghệ An có khoảng 1.780 ha diện tích gieo trồng bị hạn hán, thiếu nước và có 750 ha lúa chưa thể gieo cấy do thiếu nước, cần phải có điều chỉnh giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tại vùng Nam Trung bộ, chỉ còn 61 ha cây ăn quả và cây lâu năm ở Ninh Thuận đang bị thiếu nước. Hiện tại đang trong giai đoạn gieo trồng vụ hè thu.

Tuy nhiên với tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở mức tương đối thấp so với trung bình nhiều năm, khả năng có khoảng 45.000 đến 55.500 ha không đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Kênh giữ nước ngọt sắp cạn đáy, đời sống SX sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Ảnh: Hữu Đức

Cụ thể, Quảng Ngãi 1.000 – 2.000 ha, Phú Yên 2.000 – 3.000 ha, Ninh Thuận 10.000 – 11.000 ha, Khánh Hòa 14.000 – 15.000 ha, Bình Thuận 16.000 – 18.000 ha.

Tổng cộng khoảng 31.424 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhiều nhất là tỉnh Bình Thuận với 26.300 hộ.

Hiện, khu vực Tây Nguyên chuẩn bị bước vào mùa mưa, tình trạng hạn hán, thiếu nước cơ bản đã được giải quyết. Nguồn nước phục vụ sản xuất vụ mùa cơ bản được bảo đảm.

Một số vùng mưa muộn thuộc tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và Đăk Nông có thể bị thiếu hụt nguồn nước cục bộ (khoảng 2.000-3.000 ha), do đó cần chủ động có giải pháp phòng, chống. Tổng cộng 8.309 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tổng cộng có 26.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, giảm trên 9.000 hộ so với tuần trước.

Quyết liệt ứng phó với hạn, mặn

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến gay gắt, từ đầu năm, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã liên tục có những chỉ đạo, cũng như trực tiếp khảo sát tình hình hạn, mặn tại các địa phương ở ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/1/2020 về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án, đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả…

Các tỉnh, thành phố ĐBSCL cũng đã chủ động triển khai kế hoạch để ứng phó với tình trạng hạn, mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành nhiều công trình ngăn mặn quan trọng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, công trình cống ngăn mặn Vũng Liêm đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 6 tháng, kịp thời ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ trực tiếp cho 11.000ha và gián tiếp cho gần 70.000ha lúa. Trong buổi làm việc mới đây với tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao việc tỉnh đã sớm hoàn thành công trình cống ngăn mặn Vũng Liêm. Theo Phó Thủ tướng, “công trình này là cơ sở hạ tầng quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng giữa Vĩnh Long và Trà Vinh. Cần đẩy mạnh các giải pháp thích ứng và chung sống với biến đổi khí hậu. Địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện để kết nối phục vụ nông dân tưới tiêu”.

Để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn và trung tâm các thành phố, tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo thực hiện vận hành hệ thống cống trên địa bàn TP Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành có hiệu quả; đồng thời giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT triển khai thi công đắp đập ngăn mặn bằng cừ larsen tại kênh Nhánh (TP Rạch Giá) để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá – Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cung cấp cho hồ Tà Tây trong suốt mùa khô.

Bên cạnh đó, vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương. Vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên (hồ nước ngọt 1 triệu m3 tại huyện Giang Thành). Chủ động tích nước an toàn vào hồ chứa Dương Đông (Phú Quốc), Bãi Nhà (huyện Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vào mùa khô. Khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang xây dựng.

Trước tình hình này, các địa phương của tỉnh Kiên Giang cũng tập trung rà soát những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, sử dụng trong mùa khô; theo dõi tình hình diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước nội đồng để triển khai điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh; triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ…

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020; đồng thời tiếp tục thực hiện phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.

Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước nông thôn phục vụ cấp nước cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Giang Thành có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Cấp nước sạch miễn phí cho người dân tại Sóc Trăng. Ảnh: XC

Tại Sóc Trăng, để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã có kế hoạch cấp nước sạch cho người dân với các giải pháp như nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn từ các công trình cấp nước tập trung hiện có, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 21.600 hộ dân; đầu tư xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung… Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện khoảng 160 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng cho biết: Hiện nay, trung tâm đang quản lý khai thác 146 công trình cấp nước tập trung, cấp nước cho 108.000 hộ dân. Tổng công suất giếng đang khai thác là 100.000m3/ngày đêm. Để đảm bảo cấp nước cho thêm 26.572 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cần nâng công suất khai thác thêm 22.000m3/ngày đêm. Kế hoạch khoan thêm 22 giếng tạo nguồn tại các trạm cấp nước, với mỗi giếng công suất 1.000m3/ngày đêm.

Quang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hàng chục ngàn ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước tưới