Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An cho biết cư dân địa phương chủ yếu là người Mông, Khơ Mú và Thái, trong đó 75% là hộ nghèo. Họ có tập tục thả rông gia súc ở nương rẫy, rất ít khi đưa về chuồng. Khi trời mưa rét, trâu, bò còn ít tuổi hoặc đã già dễ chết do sức đề kháng yếu. Bước đầu xã ghi nhận 211 trâu, bò của hàng chục hộ trên địa bàn bị chết trong đợt rét này.
Hai ngày nay, chính quyền xã Tri Lễ lập tổ công tác đi tới từng bản, dùng loa để tuyên truyền người dân tích cực vào rẫy tìm đưa trâu, bò đưa về chuồng, quây bạt, sưởi ấm, trữ thức ăn để tránh rét. “Địa hình hiểm trở, trong khi nhận thức của người dân, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế cũng là những nguyên nhân gây ra thiệt hại trong đợt rét này”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết đã yêu cầu phòng nông nghiệp các huyện triển khai biện pháp hạn chế thiệt hại về vật nuôi, cây trồng trong đợt rét. Nghệ An có 776.000 con trâu bò, thuộc nhóm nhiều gia súc hàng đầu cả nước.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, từ ngày 19/2 đến 18h ngày 22/2, hơn 2.900 gia súc (trên 1.600 con trâu, gần 800 con bò, hơn 450 gia súc khác) chết do rét đậm, rét hại, tăng gần 2.000 con so với ngày 21/2.
Đàn gia súc của nông dân bị chết không ngừng tăng lên từng ngày do trời quá rét – Ảnh: Phương Hoàng
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trong 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa, trời rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở các nơi phổ biến từ 6-11 độ C, riêng vùng cao Tà Xùa, huyện Bắc Yên, nhiệt độ thấp nhất. Rét đậm, rét hại kèm mưa đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tính đến chiều tối ngày 22/2, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.009 con gia súc bị chết rét, bao gồm bò và bê gần 600 con, trâu hơn 150 con, dê gần 200 con, còn lại là nghé, ngựa và lợn con.
Rét đậm, rét hại cũng làm 1 nhà tạm của người dân bị sập đổ; thiệt hại 65kg cá, hơn 8 ha mạ và hàng trăm cây cối, hoa màu, gồm cây xoài mới trồng năm thứ 2, cây cà Phê trồng năm thứ 5, cây tếch, cây chuối. Tổng giá trị thiệt hại về kinh tế do rét đậm, rét hại gây ra từ ngày 19/2 đến nay khoảng 14 tỷ 700 triệu đồng.
Sau khi có các thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La và chính quyền các các huyện, thành phố trong tỉnh Sơn La đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với các xã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân đưa gia súc về chuồng, che chắn kín gió, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng và chú ý che chắn cho cây trồng nhằm giảm thiểu các thiệt hại.
Trong khi đó, cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tăng cường, từ ngày 18 – 22/2, trên địa bàn tỉnh Điện Biên trời rét đậm, rét hại, khiến 163 con gia súc bị chết rét, gồm hơn 110 con trâu, còn lại là bò và dê. Các địa phương có số gia súc bị chết là Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại nhằm giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra.
Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn và triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt; hướng dẫn về công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản…căn cứ diễn biến thời tiết có thể cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các trường nội trú ở khu vực vùng cao.
Duy Minh