Hệ thống thủy lợi lưu vực sông Sài Gòn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới

Minh Trang (T/h)|03/12/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các hồ chứa trên lưu vực sông Sài Gòn đảm bảo cung cấp đủ nước cho hơn 44 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp trong tháng 12 này.

Trong các sông lớn ở Đông Nam Bộ, lưu vực sông Sài Gòn có hệ thống công trình thủy lợi với tổng dung tích thiết kế (DTTK) lớn nhất.

Cụ thể, trong khi tổng DTTK các công trình thủy lợi trên lưu vực sông Bé là 224,342 triệu m3, trên lưu vực dòng chính sông Đồng Nai là 375,95 triệu m3, thì tổng DTTK của các công trình thủy lợi trên lưu vực sông Sài Gòn lên tới 1,62 tỷ m3.

Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á

Trong đó, hồ Dầu Tiếng, với vị thế là hồ thủy lợi lớn nhất ở Đông Nam Á, đã có DTTK là 1,58 tỷ m3. Những hồ đứng ở các vị trí tiếp theo có DTTK nhỏ hơn nhiều, như hồ Tha La (23,47 triệu m3), hồ Cần Nôm (7,99 triệu m3) …

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đến ngày 28/11/2019, nguồn nước trong các hồ chứa trên lưu vực sông Sài Gòn đa số trữ đạt DTTK. Tổng dung tích trữ hiện tại là 1,468 tỷ m3 (đạt 90,60% DTTK). Tổng dung tích trữ các hồ chứa xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn cùng kỳ năm 2018 và trung bình nhiều năm (TBNN).

Điều đáng chú ý là nhiều hồ đã tích trữ đủ so với DTTK như hồ Ba Veng, hồ Bù Nâu, hồ Tà Thiết, hồ Tà Te, hồ Suối Láp và hồ Lộc Thạnh.

Các hồ còn lại dung tích trữ cũng đã đạt từ 80,8% đến 90,74% so với DTTK. Trong đó, hồ Dầu Tiếng đã tích trữ đạt 90,74% với dung tích trữ là 1,434 tỷ m3.

Diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc phạm vi cấp nước của các công trình thủy lợi trên lưu vực dòng chính sông Sài Gòn là khá lớn. Diện tích vụ Đông Xuân 2019-2020 cần cung cấp nước trong tháng 12 này là 44.108 ha, gồm 35.265 ha cây công nghiệp dài ngày, 6.715 ha lúa, 1.681 ha rau màu và 447 ha thủy sản.

Đại đa số diện tích thuộc khu vực cấp nước của hồ Dầu Tiếng (41.200 ha), tiếp đó là hồ Tha La (2.250 ha). Diện tích cần cấp nước ở các hồ còn lại chỉ từ vài chục đến trên 100 ha.

Kết quả tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho hay, tổng nhu cầu nước theo kế hoạch sản xuất tháng 12 thuộc vụ Đông Xuân 2019-2020 của 10 hồ chứa lớn và vừa trên lưu vực sông Sài Gòn (vùng Đông Nam Bộ) là 45,33 triệu m3.

Dựa vào xu thế mưa một số năm gần đây; kết quả dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, kế hoạch sử dụng nước, và kết quả tính toán cân bằng nước tháng 12 cho vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn bộ 10 hồ chứa có khả năng đảm bảo cấp nước 100% cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước theo nhiệm vụ thiết kế.

Những diện tích nằm ngoài các công trình thủy lợi trên lưu vực sông Sài Gòn cũng chưa phải lo ngại về nguồn nước. Bởi lượng mưa trung bình của các khu vực nằm ngoài công trình thủy lợi cao hơn lượng mưa TBNN 26% và cao hơn 68,7% so với năm có lượng mưa nhỏ nhất.

Hồ Cần Nôm

Mặt khác, khu vực Đông Nam Bộ đang cuối mùa mưa, mưa sẽ bổ sung thêm lượng nước cho sản xuất nông nghiệp ở những diện tích ngoài khu tưới của các công trình thủy lợi. Như vậy, không xảy ra hạn hán thiếu nước đối với các vùng sản xuất.

Tuy nhiên, do khu vực Đông Nam Bộ đang chuẩn bị bước vào mùa khô, nên với các diện tích sản xuất nông nghiệp bên ngoài các công trình thủy lợi trên sông Sài Gòn cần phải có những kế hoạch để đảm bảo cấp nước cho sản xuất như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, qua đó thực hiện kế hoạch sản xuất, gieo trồng sao cho có thể tránh hoặc giảm thiểu được thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo.

Bên cạnh đó, các địa phương thuộc lưu vực sông Sài Gòn cần tiến hành duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn mặn.

Nạo vét một số trục kênh chính, ưu tiên đầu tư nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước … để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục phục vụ sản xuất.

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hệ thống thủy lợi lưu vực sông Sài Gòn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.