Hoàn thiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Theo ĐĐK|08/10/2019 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 7/10, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

Hội thảo bàn bạc, xác định những bất cập và khoảng trống về chính sách, pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn một số đề xuất ban đầu về việc sửa đổi, bổ sung các nội dung về BĐKH trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho rằng, thông qua hội thảo này, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ TN&MT sẽ được nghe những ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc đề xuất một số vấn đề về việc sửa đổi, bổ sung nội dung về BĐKH trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 trong thời gian tới. Đây là những đóng góp, đề xuất có giá trị cho việc xây dựng, thẩm tra, sửa đổi và bổ sung các nội dung về biến đổi khí hậu vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.

Biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề

Tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như: bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế trong trong chính sách ứng phó với BĐKH; giải pháp về chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh doanh tín chỉ carbon và tham gia thị trường carbon thế giới; phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường liên kết vùng… trong ứng phó với BĐKH.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Đào Anh Dũng cho rằng, cũng như các địa phương khác trong cả nước, TP Cần Thơ đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, thể hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường như triều cường, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, môi trường, hệ sinh thái.

Theo ông Đào Anh Dũng, ứng phó với BĐKH đã được lồng ghép vào chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước và đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, với 24 khoản trong 10 điều của Chương 4. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, khung chính sách này cần được bổ sung, hoàn thiện hơn để không chỉ giải quyết những thách thức của BĐKH mà còn tận dụng những lợi thế, cơ hội mà BĐKH có thể mang lại cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Tại hội thảo, ông Marcel Reymond, Trưởng Bộ phận Phát triển, Đại Sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho rằng: Câu hỏi được đặt ra tại hội thảo này là làm thế nào để các chính sách và khung pháp lý hiện nay có thể được cải cách, cải tiến đáp ứng tốt hơn với ứng phó BĐKH, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Để có thể giải quyết được vấn đề BĐKH, chúng ta cần phải cải tiến những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, nếu chúng ta chỉ đưa ra được những kế hoạch không thôi thì sẽ là không đủ mà cần phải có quá trình lồng ghép, tích hợp và được thực hiện ở các cấp độ từ Chính phủ đến địa phương, nhà khoa học, cộng đồng và các nhà đầu tư kinh doanh.

Ông Marcel Reymond cho biết thêm: Những nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới cho thấy, thiệt hại trong ngập lụt ở ĐBSCL là rất lớn và thiệt hại đã lên tới 130 triệu đến 190 triệu USD/năm, đó là những thiệt hại trực tiếp và còn thiệt hại gián tiếp ước tính tổng cộng là khoảng 650 triệu USD.

Ông Marcel Reymond nêu thực trạng: “Hiện nay ở ĐBSCL cái gì cũng đổ lỗi do BĐKH gây ra, nhưng có những vấn đề do chính con người gây ra. Cụ thể, hoạt động khai thác cát không chỉ gây thách thức tại nơi khai thác mà còn làm cho phía hạ nguồn phải gánh chịu tác động lớn về dòng chảy, di cư của tôm cá, canh tác lúa. Những thiệt hại này không liên quan gì đến BĐKH, đó là do tác động của con người. Vì vậy, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề này mang tính tổng hợp và tích hợp để ứng phó với BĐKH”

Bà Anna Pia Schreyoegg, Cố vấn trưởng Chương trình hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris cho rằng: Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Thỏa thuận Paris, trong đó quy định 68 nhiệm vụ giảm nhẹ và thích ứng được phân bổ cho các cơ quan trong giai đoạn 2016 – 2020 và 2020 – 2030. Hiện nay, Nghị định quy định lộ trình và phương thức tham gia giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nhằm thiết lập nền tảng cho việc điều phối hoạt động và xây dựng khung minh bạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần xây dựng cơ sở nền tảng vững chắc hơn cho việc triển khai thực hiện thỏa thuận Paris thông qua lồng ghép các nội dung quan trọng vào hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng: Sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai các dự án, công trình để ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, các chính sách pháp luật về BĐKH hiện còn những bất cập, gây khó khăn không nhỏ cho địa phương. Vì vậy, tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ TN&MT tích hợp các chính sách pháp luật; tiêu chí thống kê, đánh giá phát thải khí nhà kính, ban hành Nghị định riêng về ứng phó với BĐKH, tạo điều kiện cho các địa phương dễ triển khai thực hiện.

Cần nhiều biện pháp khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong rằng sau hội thảo này, chúng ta sẽ có chính sách tốt hơn nhằm giảm thiểu BĐKH tác động đến khu vực ĐBSCL. Riêng với Cà Mau địa phương rất dễ bị tổn thương trước BĐKH, có tuyến ven biển dài nhất cả nước với 254 km bờ biển, dân cư sống rải rác.Thời gian qua bờ biển đông, tây sạt lở rất nghiêm trọng.

Tại hội nghị, ông Lâm Văn Bi kiến nghị, Chính phủ cần xét điều chỉnh phân cấp sạt lở khu vực ven biển (từ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm – PV) để địa phương biết cách sử dụng các cơ chế triển khai ứng phó kịp thời. Chính phủ cần xem xét cho tỉnh đồng ý thí điểm huy động vốn của doanh nghiệp tham gia vào công tác ứng phó với BĐKH, chống sạt lở trên địa bàn. Cụ thể đồng ý cơ chế cho doanh nghiệp đăng ký với các cơ quan chức năng sử dụng đất bên trong khu vực đầu tư để khai thác một cách hợp lý bù đắp kinh phí xây dựng các công trình mà doanh nghiệp đầu tư cho địa bàn về ứng phó với BĐKH…

Tại hội thảo nhiều đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu đã thảo luận về những nội dung quan trọng như: bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế, các giải pháp về chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh doanh tín chỉ carbon và tham gia thị trường carbon thế giới, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường liên kết vùng… trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những đóng góp, đề xuất có giá trị cho việc xây dựng, thẩm tra, sửa đổi và bổ sung các nội dung về BĐKH vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014…

Trao đổi bên lề hội thảo với báo chí GS TS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia BĐKH cho biết: “Khi xây dựng chính sách, hệ thống văn bản Nhà nước, nên tích hợp ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để tạo ra các giá trị gia tăng. Đồng thời, phải tính đến sự hội tụ, cản trở thực hiện mục tiêu riêng và mục tiêu tổng hợp của ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, nên có tổng công trình sư thiết kế, chỉ đạo, điều phối xây dựng hệ thống chính sách, văn bản Nhà nước tích hợp thực hiện mục tiêu riêng và mục tiêu tổng hợp của ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”…

Theo ĐĐK

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoàn thiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.