Đến ngày 11/9, cơ sở tái chế nhựa phế liệu ở thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã được tháo dỡ theo văn bản số 5070/UBND của Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm ban hành tuần trước về việc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở do tồn tại nhiều sai phạm, gây ô nhiễm môi trường.
Theo văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm, cơ sở tái chế nhựa phế liệu do ông Phạm Văn Duy (thường trú tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang) làm chủ có vị trí hoạt động không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện giai đoạn 2010-2020; không có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo quy định của pháp luật, nước thải xả trực tiếp ra môi trường; chất thải rắn chưa được thu gom, lưu trữ và xử lý theo quy định.
Khu nhà tiền chế của cơ sở tái chế nhựa phế liệu đã bị tháo dỡ.
Cơ sở này nằm trên khu đất rộng trên 2.200m2, hoạt động gần 2 năm nay bất kể ngày đêm, thải ra nhiều khói độc, xả nước thải trực tiếp ra môi trường, khiến người dân bức xúc. Tại cơ sở không phát tán mùi hôi thối đặc trưng của rác thải thông thường, tuy nhiên, mùi khét của hạt nhựa gây khó chịu cho mọi người khi tiếp xúc. Xung quanh nhà xưởng là những đụn rác chất đống, chờ được xử lý.
Thời điểm trên, chủ cơ sở không có mặt, chỉ có một vài người làm thuê. Một lao động ở đây cho biết, cơ sở chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khung giờ phổ biến từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau. Hình thức hoạt động là rác được đưa lên băng chuyền, rửa, rồi qua máy nung nấu, sau đó qua một loại máy ép nhựa, tạo thành hạt nhựa. Số hạt nhựa này được bán đi nơi khác.
Bà Nguyễn Thị Yến – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, đầu năm 2019, UBND xã đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc cơ sở này gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, phản ánh của người dân là đúng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là ông Phạm Văn Duy, trú ở Vĩnh Hòa, Nha Trang không cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc cho phép cơ sở hoạt động.
Mặc dù chính quyền xã Suối Cát biết sự tồn tại trái phép của cơ sở, đã từng tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính nhưng thiếu kiên quyết và chưa đủ thẩm quyền để buộc cơ sở này chấm dứt hoạt động.
Ngọc Linh (t/h)