Môi trường du lịch

Khi người trẻ chọn “xê dịch” trong dịp Tết cổ truyền

Thanh Thảo 01/02/2025 13:04

Không còn gói gọn trong hình ảnh đón Tết truyền thống, giới trẻ ngày nay coi dịp đầu năm mới là thời gian đặc biệt để tận hưởng cuộc sống theo cách riêng. Những chuyến du lịch đầu xuân với năng lượng tràn đầy đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ.

“Thưởng thức” Tết theo cách riêng

Bỏ lại sau lưng những bộn bề ngày cuối năm, Hà Nhi (28 tuổi, Hà Nội) đã lên kế hoạch đón Tết khác biệt khi quyết định biến kỳ nghỉ Tết thành thời gian tận hưởng sự tự do. Suốt 2 năm qua, Hà Nhi luôn chọn các điểm du lịch nổi tiếng để đón Giao thừa. Năm nay, Nhi đã đặt vé đến Đà Lạt, nơi cô sẽ chào đón năm mới bằng một buổi tiệc BBQ giữa rừng thông se lạnh.

Hà Nhi chia sẻ: “Gia đình mình rất thoải mái, không đặt nặng chuyện con cái phải ở nhà vào dịp Tết. Bố mẹ mình còn khuyến khích mình đi đây đó để tích lũy thêm trải nghiệm. Đối với mình, Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà còn là cơ hội để khám phá những điều mới mẻ. Mỗi chuyến đi đều mang lại cảm giác tràn đầy năng lượng và nhiều kỷ niệm khó quên.”

capture(15).png
Hà Nhi (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, trong suốt 2 năm qua, cô luôn chọn các điểm du lịch nổi tiếng để đón Giao thừa

Không riêng gì Hà Nhi, nhiều bạn trẻ ngày nay đã thay đổi quan niệm về Tết. Họ tận dụng khoảng thời gian đặc biệt này để nghỉ ngơi và khám phá, thay vì bó hẹp trong những hoạt động truyền thống.

Bên cạnh đó, xu hướng du lịch Tết cũng đang dần phổ biến trong các gia đình hiện đại. Anh Hoàng Minh (38 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng, năm nay gia đình anh sẽ dành kỳ nghỉ tại Phú Quốc. “Trước đây, Tết là khoảng thời gian mệt mỏi với hàng tá việc nhà. Nhưng từ khi thử du lịch dịp Tết, chúng tôi thấy thoải mái hơn nhiều. Cả gia đình vừa gắn kết vừa có thêm những trải nghiệm đáng nhớ,” anh Minh bày tỏ.

Đồng quan điểm với anh Minh, chị Hoàng Lan (29 tuổi, nhân viên ngân hàng ở quận Ba Đình, Hà Nội) bộc bạch: “Đã mấy năm nay, vào mỗi dịp Tết, gia đình mình đều ưu tiên những chuyến đi để tận hưởng không khí mới mẻ, thay vì bó buộc trong việc nấu nướng, tiếp khách suốt ngày. Trước đây, Tết là khoảng thời gian mệt mỏi nhất trong năm, nhưng giờ thì khác. Gia đình mình coi Tết là cơ hội để nghỉ ngơi và thư giãn đúng nghĩa. Theo mình, thay vì giữ những thói quen cũ, hãy làm cho Tết trở nên thật sự ý nghĩa với mỗi cá nhân.”

TS. Lê Quang Đăng (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã từng bước phục hồi và phát triển. Khách nội địa thường có xu hướng đi du lịch vào các dịp nghỉ lễ, tết. Dự báo dịp tết năm nay, nhu cầu du lịch có thể tăng cao hơn, có thể sẽ đạt hơn 10 triệu lượt khách. Sự thay đổi lượng khách du lịch vào dịp tết xuất phát từ sự thay đổi nhu cầu của người dân và được đảm bảo đầy đủ các điều kiện như: điều kiện kinh tế - tài chính khá giả, có thời gian rảnh rỗi, mong muốn được trải nghiệm Tết ở một nơi xa, để thay đổi không khí, được trải nghiệm văn hóa Tết của cộng đồng ở một nơi khác nơi sinh sống thường xuyên, để nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng....

Thực tế, trong xã hội hiện đại, với nhịp sống hối hả, nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi sau một năm dài làm việc hoặc học tập. Kỳ nghỉ tết dài ngày là cơ hội để họ có thể xả stress, thư giãn và lấy lại năng lượng cho năm mới. Việc lựa chọn đi du lịch, tham quan các địa điểm yêu thích, khám phá các vùng đất mới thay vì về quê ăn tết mang đến cho họ sự tự do, thoải mái hơn so với việc phải tham gia vào các lễ nghi của gia đình.

Du lịch Tết có làm mai một giá trị văn hóa?

Xu hướng du lịch đón Tết của giới trẻ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây đã khiến nhiều người lo lắng về việc làm mất đi giá trị văn hóa của ngày Tết cổ truyền.

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia văn hóa, GS. Đỗ Quang Hưng cho rằng, du lịch vào dịp Tết sẽ không làm mất đi giá trị truyền thống, bởi Tết Việt không chỉ là tết đoàn viên của gia đình mà còn là tết sum vầy của cộng đồng. Người Việt từ xưa đến nay không chỉ ăn Tết mà còn chơi Tết. Vì thế, du lịch Tết là cách để mọi người tự thưởng cho bản thân sau một năm lao động, làm việc vất vả, giải tỏa những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Đồng thời, cũng giúp con người có thêm năng lượng, chuẩn bị cho bản thân cho một năm lao động mới.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cũng cho biết, hiện nay nhiều người ái ngại khi Tết không như xưa, vì thanh niên đi du lịch, không đón Tết như cha ông. Thực ra, điều này không đáng lo ngại. Vì Tết là dịp nghỉ ngơi, sau một năm họ lao động miệt mài. Dù họ không ở nhà thì Tết vẫn là dịp đoàn viên, vợ chồng con cái có dịp ở bên nhau và tấm lòng mỗi người vẫn hướng về tổ tiên, ông bà.

Nhiều gia đình không gói, luộc bánh chưng ngày Tết như xưa nhưng chúng ta vẫn có bánh chưng, vẫn luôn tưởng nhớ tổ tiên, ông bà,… “Uống nước nhớ nguồn” - giá trị đạo đức xuyên suốt của dân tộc nhưng thể hiện rất rõ trong ngày Tết. “Tôi tin các thế hệ người Việt sẽ biết bỏ cái gì, giữ cái gì và những cái tinh tuý, cơ bản của truyền thống thì vẫn luôn giữ được”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

capture(16).png
Nhiều người lo lắng về việc làm mất đi giá trị văn hóa của ngày Tết cổ truyền khi xu hướng đi du lịch đón Tết phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây

Còn theo Chuyên gia văn hóa, TS. Bùi Thị Như Ngọc, việc chuyển dịch từ ăn sang chơi Tết của một bộ phận người dân hiện nay kéo theo những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực. Khi đi du lịch, họ đỡ vất vả trong những ngày Tết, được nghỉ ngơi nhiều hơn. Đặc biệt sự vất vả của phụ nữ trong mấy ngày Tết cũng giảm đi rất nhiều, từ đó kéo theo vấn đề bình đẳng giới và giải phóng sức lao động cho phụ nữ trong ngày Tết. Tuy nhiên, xu hướng này cũng kéo theo những mặt trái về nguy cơ mai một, phai nhạt những giá trị văn hóa của Tết. Sự gắn bó giữa các thế hệ các thành viên trong gia đình cũng có thể lỏng lẻo hơn.

Dự đoán xu hướng đi du lịch Tết của giới trẻ trong những năm tới, TS. Lê Quang Đăng (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, với tỷ trọng khách giới trẻ chiếm hơn 50% tổng khách nội địa của Việt Nam thì xu hướng phát triển, gia tăng lượng khách giới trẻ trong các dịp Tết là điều tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng du lịch của điểm đến, tăng sức hấp dẫn tại các điểm đến du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch phù hợp với đặc điểm, nhu cầu thị hiếu của thị trường khách giới trẻ. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện di chuyển, phương tiện đi lại và đảm bảo an ninh, an toàn, tạo thuận lợi cho khách du lịch nói chung, khách giới trẻ nói riêng đi du lịch vào dịp Tết.

Có thể thấy, xu hướng đi du lịch, không về quê ăn Tết của giới trẻ là một phần của sự thay đổi trong lối sống, tư duy và nhu cầu của thế hệ mới. Nó phản ánh sự phát triển của xã hội, với những cơ hội mới trong việc thể hiện bản sắc cá nhân, cũng như sự tự do trong việc lựa chọn cách đón Tết. Điều quan trọng, dù có chọn về quê hay đi du lịch, thì Tết vẫn là dịp để mọi người nhớ về nguồn cội, đoàn tụ và chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khi người trẻ chọn “xê dịch” trong dịp Tết cổ truyền
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.