Kiên Giang triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân

Hồng Trang|17/04/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời hiệu quả các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước, không đảm bảo cung cấp cho các nhu cầu sử dụng, ưu tiên cấp đủ nước sinh hoạt... cho người dân.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, tình trạng nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa ở các xã đảo thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Hải, TP. Hà Tiên giảm nhanh, các giếng nước ngầm bị nhiễm mặn dẫn đến việc thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Không chỉ người dân tại các xã đảo đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch, mấy tháng qua người dân các xã thuộc địa bàn huyện An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương cũng rất vất vả vì thiếu nước sinh hoạt. Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao trong khi công suất cấp nước của các trạm cấp nước tập trung chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng nước kém do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Chị Trần Thị Cúc, ngụ ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) cho biết: “Nhiều hộ dân trong ấp không khoan được giếng nước vì bị nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua đường ống dẫn nước từ giếng khoan do tư nhân cung cấp để sử dụng mặc dù Nhà nước có đầu tư đường ống dẫn nước, lắp đồng hồ nhưng không có nước. Nước sạch mùa này khan hiếm, giá cao nên gia đình sử dụng nước tiết kiệm”.

Khu vực nông thôn có 357.508 người dân đang sử dụng nước sinh hoạt từ các trạm cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang khẩn trương khoan giếng bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước như trạm cấp nước Tân Thạnh (An Minh), trạm cấp nước khu vực huyện Hòn Đất.

Trung tâm vận chuyển nước sạch từ đất liền ra đảo để cung cấp cho nhà máy xử lý nước cấp nước sạch cho người dân trên xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên) 700m3/ngày. Đối với các trạm cấp nước thuộc các xã Thuận Hòa, Đông Hưng (An Minh) đang vượt công suất, một số khu vực cuối tuyến bị thiếu nước cục bộ, đơn vị đã điều tiết, cấp nước luân phiên theo giờ và theo tuyến.

nuoc-sinh-hoat.png
Người dân xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) tưới nước cho cây ăn trái trong mùa khô 2023-2024

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp các địa phương chuẩn bị phát 6.700 bồn chứa dung tích 1.000 lít/bồn cho hộ dân sống phân tán xa khu dân cư, không thể kéo nước máy ở TP. Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành và U Minh Thượng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ống tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây (An Minh); đầu tư bồn trữ nước cho xã Hòn Nghệ (Kiên Lương); thổi rửa 7 giếng khoan tại 7 trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác, đảm bảo nguồn cung cấp nước.

Những ngày qua, một số nhà máy nước trên địa bàn tỉnh không lấy được nước. Tại huyện Kiên Lương, độ mặn tăng vượt quá ngưỡng cho phép, nhà máy nước Kiên Lương không thể lấy nước. Có dung tích 1 triệu m3, hiện mực nước ở hồ chứa nước đông TP. Hà Tiên giảm thấp, một số hộ dân khu vực phường Mỹ Đức nằm xa tuyến ống, áp lực nước yếu, không có nước sinh hoạt.

Chính quyền địa phương tổ chức một điểm cấp nước công cộng để phục vụ nước sinh hoạt tạm thời cho người dân trong mùa khô. Hồ chứa nước Dương Đông (TP. Phú Quốc), mực nước hiện giảm mạnh còn khoảng 19,74/28,77m; dung tích khoảng 1,7 triệu m3.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV viên Cấp thoát nước Kiên Giang Đoàn Hữu Thắng cho biết đến thời điểm này các nhà máy nước trực thuộc công ty quản lý vẫn duy trì cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân tại các khu vực đô thị trong tỉnh. Dung tích các hồ trữ nước thô vẫn đảm bảo cấp nước cho đến hết mùa khô 2023-2024.

Dung tích hồ chứa của huyện Kiên Lương là 2,8 triệu m3, đã trữ được 1,3 triệu m3, với công suất 11.800m3/ngày đêm. Với tình hình không thu được nước vào hồ, nhà máy có thể duy trì cấp cho người dân sinh hoạt khoảng 110 ngày nữa.

Tại khu vực TP. Hà Tiên, hiện hồ nước đông thành phố công suất cấp nước 10.800m3/ngày đêm, nếu trong trường hợp không thu được nước, nhà máy vẫn có thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân hơn 80 ngày nữa.

Mùa mưa năm nay được dự báo sẽ đến muộn, khoảng giữa tháng 5, đầu tháng 6 Kiên Giang mới chính thức bước vào mùa mưa, đồng nghĩa với việc người dân đối mặt với tình trạng khô hạn, nắng nóng, mặn xâm nhập trong hơn 1 tháng nữa.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh, đến thời điểm này Kiên Giang cơ bản đảm bảo đủ nước cho người dân sinh hoạt cho đến hết mùa khô. Tuy nhiên, từ nay đến hết mùa khô, Kiên Giang còn 3 đợt mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, có khả năng đe dọa đến an toàn nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là nguồn nước cấp cho các nhà máy sử dụng nước mặt tại TP. Rạch Giá và huyện Châu Thành.

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh sẵn sàng các điều kiện vận hành cống âu thuyền vàm Bà Lịch (Châu Thành) dự kiến từ ngày 23-4 đến giữa tháng 5-2024 để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.