Lâm Đồng: 34% vụ phá rừng chưa xác định được đối tượng

Kim Chi|12/01/2022 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp. Có 34% vụ phá rừng chưa tìm được đối tượng vi phạm…

Ngày 10/1, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp vừa có kết luận liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Trong năm 2021, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có sự chuyển biến tích cực và đạt được kết quả nhất định.

Ảnh minh họa.

Cụ thể số vụ vi phạm giảm 190 vụ, tương ứng giảm 28%; diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng giảm 9,53 ha, tương ứng giảm 21%; số vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm giảm 24 vụ, tương ứng giảm 51% so với năm 2020.

Cũng trong năm 2021, các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại, đạt 179,4% so với kế hoạch được giao; trồng được 429,22 ha rừng, đạt 115%; thu chi dịch vụ môi trường rừng năm 2021 được 341,216 tỉ đồng, đạt 116% kế hoạch, đây là nguồn lực tài chính quan trọng, thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng…

Tuy đã có nhiều kết quả tích cực nhưng công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một số tồn tại. Theo đó, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung ở một số huyện như Đam Rông, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương… Đặc biệt là một số vụ vi phạm nổi cộm gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Chưa hết, số vụ chưa xác định đối tượng vi phạm còn chiếm tỷ lệ cao (34%); một số dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp triển khai chậm tiến độ; chủ đầu tư không bố trí lực lượng đủ mạnh để quản lý bảo vệ rừng, còn để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép; việc thực hiện ký hợp đồng thuê rừng, thu nộp tiền thuê rừng, tiền bồi thường tài nguyên rừng còn chậm; công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng còn chậm.

Ngoài ra, đến nay công tác giải tỏa, tháo dỡ nhà lưới, nhà kính diễn ra rất chậm (mới chỉ giải tỏa được 18,8991 ha/215,9984 ha, đạt 8,79% tổng diện tích nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp cần giải tỏa.

Từ thực tiễn nêu trên, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025; các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục có trách nhiệm của người đứng đầu; hạn chế thấp nhất việc để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; trồng rừng, khôi phục và phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp; trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn; tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nhận khoán; duy trì tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 từ 55% trở lên…

Kim Chi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lâm Đồng: 34% vụ phá rừng chưa xác định được đối tượng