Bác Hồ đến thăm các bác sĩ, y sĩ, hộ lý Trạm xá Vân Đình. Ảnh tư liệu
Kế thừa truyền thống y đức của ông cha ta, tiếp thu tinh hoa y đức nhân loại, trên cương vị là lãnh tụ kính yêu của dân tộc và một nhà văn hoá lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trau dồi, rèn luyện y đức – đạo đức của người thầy thuốc, người cán bộ y tế.
Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức. Nếu như mọi người đều có thể tìm thấy trong di sản Hồ Chí Minh những quan điểm, tư tưởng đạo đức phù hợp với mình thì cán bộ, nhân viên ngành y, nhận rõ điều đó nhất. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành y được Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất, Hồ Chí Minh đã tặng cán bộ, nhân viên ngành y danh hiệu cao quý và đẹp đẽ nhất: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Hầu như mỗi lần có dịp tiếp cận với ngành y, điều đầu tiên Hồ Chí Minh nhắc tới vẫn là: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây chính là yêu cầu Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành y.
Trong Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3-1948, Hồ Chí Minh viết: “Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”…
Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ y tế cần phải: thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân”Lương y kiêm từ mẫu”.
Cùng với tư tưởng về y đức, Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2-1955: “cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Theo Hồ Chí Minh, một trong những đặc điểm của các thầy thuốc là “phải có chí chịu khó, chịu khổ, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”.
Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh trở đi trở lại với luận điểm: “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, gốc của cán bộ nhân viên ngành y chính là lương y phải như từ mẫu.
Trong tình thương yêu, có lẽ không có tình thương yêu nào đầm ấm, sâu sắc bằng tình thương của người mẹ. Trong cuộc sống, không có mối tình nào so sánh được với tình mẫu tử.
Người thầy thuốc tận tâm, tận lực cứu sống những người bệnh thập tử nhất sinh cũng được coi như người mẹ tái sinh cuộc sống cho họ.
Từ tấm lòng lương y như từ mẫu mà nảy sinh ra những đức tính cần thiết của người cán bộ y tế như niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc, ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò và trong những trường hợp khó khăn, nguy kịch thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh, quên mình để làm tròn phận sự cứu người.
Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giữa giàu, nghèo, sang, hèn, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ, đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp… “Thầy thuốc như mẹ hiền” là cốt lõi của đạo đức ngành y.
Điều làm cho những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức thuyết phục và sức cảm hoá rất mạnh là vì Người đã nêu tấm gương sáng chói nhất trong lịch sử nước ta về lòng thương yêu vô hạn đối với nhân dân, về đức hy sinh cao cả, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, mưu độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc, về lối sống lão thực, giản dị, mẫu mực và trong sáng tuyệt vời.
Nhiều cán bộ ưu tú của ngành y tế mang trong tim mình những hình ảnh, những lời giáo huấn về y đức vô cùng sâu sắc của Hồ Chí Minh, tự nguyện đi theo con đường vì nước, vì dân mà Người đã vạch ra.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực y đức của thầy thuốc: “Lương y như từ mẫu” chẳng những đã góp phần đào luyện nên một thế hệ thầy thuốc tài năng, giàu lòng nhân ái để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân nhằm góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công trước đây, mà còn là kim chỉ nam cho xây dựng đội ngũ thầy thuốc vững mạnh về mọi mặt, trong đó y đức là quan trọng hàng đầu để chăm sóc và bảo vệ sức khẻo cho toàn dân trong tình hình mới; đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam phải đối mặt với dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhất là những cán bộ, nhân viên ngành y tế trực tiếp tham gia khám, chữa cho các bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Thấu triệt và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, mọi cán bộ ngành y tế làm việc với tinh thần và trách nhiệm “Lương y như từ mẫu” đã không quản khó khăn, gian khổ, bất chấp ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân và thân nhân luôn đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh; họ thực sự là “dũng sĩ” trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19.
Năm nay, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 thật khó quên với cán bộ ngành y tế. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các tuyến đều tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn khám chữa bệnh, sẵn sàng gác lại việc riêng vì nhiệm vụ chung. Với vẻ đẹp nhân văn của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên mặt trận chống bệnh tật và cứu người.
Ngọc Hiển