Mùa xuân trên làng biển Diêm Phố
Nàng xuân đến, khoác lên vạn vật, đất trời tấm áo mùa tươi tắn, tràn đầy sức sống. Như bao làng biển khác trên dải đất hình chữ S, làng biển Diêm Phố (nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), cũng căng tràn sắc xuân, sức xuân với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và bừng bừng khí thế lao động sản xuất dịp đầu xuân năm mới…
Miền đất văn hóa tâm linh
Đời người ngư phủ ướp mặn sóng gió trùng khơi, đánh cược cuộc đời mình với lòng biển mênh mông nên họ đặc biệt coi trọng tâm linh, tín ngưỡng. Vì lẽ đó, ở các làng biển, dường như không có nơi nào thiếu vắng bóng dáng của các đền, chùa, miếu, phủ... - đại diện cho căn cốt, cội nguồn văn hóa tâm linh, tín ngưỡng bản địa.
Điều đó lý giải vì sao, trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến động lịch sử, Cụm di tích Diêm Phố vẫn luôn hiện hữu, là biểu tượng cho nét đẹp tín ngưỡng, tâm linh của làng, xã, mang đậm dấu ấn ngư nghiệp. Đúng như tên gọi, cụm di tích đa dạng sắc thái văn hóa tín ngưỡng bao gồm: Đền thờ Tứ vị Thánh Nương, đền thờ Thánh Mẫu, chùa Liên Hoa, đền thờ Đức vua Thông Thủy – Nẹ Sơn, đền thờ Cá Ông... Ngoài ra, nơi đây còn một miếu nhỏ thờ vong hồn 344 người dân xã Ngư Lộc tử nạn trong chuyến đi biển đầy tai ương năm 1931. Các vị nhân thần, nhiên thần được thờ tự trong cụm di tích đều có sự liên hệ, gắn bó mật thiết với nghề biển. Vì vậy, vào các ngày rằm, mùng 1, đặc biệt là dịp xuân về, đông đảo cháu con làng biển lại tìm đến dưới mái đền, đình, chùa, miếu... thắp nén nhang thơm, thành kính dâng lễ nhằm cầu mong sức khỏe, bình an, nguồn “lộc biển” dồi dào sau mỗi chuyến ra khơi, vào lộng. Hẳn rằng, đó không chỉ là mong cầu của cá nhân mỗi con người mà là của cả một cộng đồng ngư nghiệp.
Nhiều nghi lễ quan trọng, có liên quan đến tín ngưỡng, văn hóa làng biển đều được tổ chức tại cụm di tích này trong niềm hân hoan, háo hức đón chờ của đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương. Các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tiêu biểu của làng biển Diêm Phố vào dịp đầu xuân còn sôi nổi cho đến rằm tháng Giêng...
Văn hóa đón xuân đậm đà bản sắc biển
Đầu tiên phải kể đến chợ quê Diêm Phố - nơi níu giữ hồn quê cho bà con nơi đây mỗi dịp Tết đến xuân về. Cảnh bán, mua hải sản tấp nập ở chợ Diêm Phố dưới tiết trời xuân, ngay gần bến tàu, tạo nên một mùi vị thật đặc biệt. Vị tanh nồng của tôm cá, mực... xen lẫn vị mặn mòi từ gió biển, sóng biển phả vào không gian, thấm vào cơ thể của cả người dân lẫn du khách, khiến ai chưa quen đó khẽ nhíu mày. Càng cận Tết, nhu cầu mua, bán tăng lên, các thương lái tất bật cuồng chân vừa đi vừa chạy “chạy như chạy cá tươi”, vì thuyền đánh bắt về cá đang giãy đành đạch, tươi roi rói. Rồi cách người ta trao đổi, mua bán hàng hóa với những thanh âm đặc trưng không thể lẫn. Người dân biển thẳng thắn, dứt khoát đôi khi thô cứng và quyết liệt. Vào những ngày tết, chợ náo nhiệt và nhiều màu sắc hơn với những hộp mứt xanh đỏ, những bộ quần áo trẻ con... Ven lối vào chợ những cành đào phai, những chậu quất cảnh, những bó thược dược cũng bắt đầu khoe sắc. Tiếng người mua, kẻ bán rộn ràng.
Nét đẹp trong văn hóa đón xuân của người dân Diêm Phố còn đến từ phong tục ăn Tết, với nhiều nét đặc trưng riêng, khác khá xa so với các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đầu tiên, phải kể đến thời gian ăn Tết, theo quan niệm của người dân địa phương, kể cả qua rằm tháng Giêng vẫn chưa phải hết Tết. Tiếp nữa là truyền thống ăn Tết tập trung, khi và ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, người dân nơi đây góp tiền để làm cơm cúng ông, bà tổ tiên hai bên nội, ngoại (người dân nơi đây gọi là “ăn cỗ chạp” tại nhà được chọn thờ cúng ông bà, tổ tiên). Vào những ngày này, con cháu trong gia đình gác hết việc để về tham dự, quây quần bên nhau.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến tục cúng mở cửa biển của ngư dân Diêm Phố trước chuyến biển đầu tiên dịp đầu xuân năm mới. Đây là nét văn hóa của ngư dân các miền quê sông nước, với mục đích cầu mong cho tàu thuyền ra khơi vào lộng luôn thuận buồm xuôi gió, nhiều cá, tôm… được mùa, được giá, sản xuất an toàn, bội thu. "Lộc biển" từ chuyến đầu sẽ được để dành cúng rằm tháng Giêng, cúng gia tiên…
Không có quy mô long trọng với sự tham gia của cả cộng đồng làng, xã như lễ cầu ngư hay các nghi lễ khác ở đây, tục cúng mở cửa biển diễn ra một cách gọn, nhẹ và mang tính cá nhân nhiều hơn. Tuy nhiên, tục cúng mở cửa biển vẫn có ý nghĩa rất riêng, được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ông Nguyễn Văn Minh, người có hơn 50 năm gắn bó với biển của làng Diêm Phố, nhiệt tình chia sẻ: “Ngay từ trước Tết, các chủ tàu, thuyền đã lo đi xem ngày, giờ tốt, hợp mệnh để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm. Ở đây, chủ thuyền đặc biệt coi trọng, kỹ lưỡng trong việc đó. Thậm chí, họ còn xem cả tuổi, mệnh của “bạn thuyền” để đảm bảo đem lại nhiều điều may mắn, thuận lợi, tránh những điều đen đủi, bất trắc xảy ra”. Theo đó, tục cúng mở cửa biển không quy định ngày, giờ cụ thể mà phụ thuộc vào sự sắp xếp của từng chủ tàu, thuyền sao cho phù hợp, “đẹp” cho mình nhất. Địa điểm diễn ra tục cúng mở cửa biển cũng rất linh động. Vào những ngày sóng yên biển lặng, chủ thuyền có thể đưa thuyền ra biển và thực hiện nghi lễ ngay trên biển. Những khi biển động, sóng gào hay thời tiết diễn biến thất thường thì thực hiện nghi lễ ngay tại bến tàu, thuyền.
“Về phần lễ cúng, tuy không quá cầu kỳ nhưng cũng không được phép qua loa, hời hợt. Bằng tất cả tấm lòng thành, ý niệm tốt đẹp, chủ thuyền sửa soạn mâm lễ cúng có vàng, hương, muối, gạo, hoa quả... Việc cúng lễ sẽ do người chủ thuyền trực tiếp làm hoặc thuê thầy cúng. Tuy có sự khác nhau về thời gian, cách thức tổ chức nhưng có lẽ, tâm niệm lớn nhất của đời ngư phủ ở bất kỳ đâu cũng nhất mực như thế: Cầu mong cho tàu, thuyền ra khơi, vào lộng “luôn được thuận buồm xuôi gió, gặp dữ hóa lành, bội thu “lộc biển” – ông Minh cho biết thêm.
Mùa xuân này – mùa biển mới Ất Tỵ 2025, sắc xuân đang ngập tràn trên mỗi chuyến tàu rẽ sóng ra khơi. Mong ước lớn nhất của ngư dân Diêm Phố nói riêng, và tất thảy ngư dân trên đất nước Việt Nam nói chung, đều mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lăng, để mỗi chuyến tàu trở về tôm cá đầy khoang.