VIDEO: Nâng cao nhận thức của người dân về chống rác thải nhựa
Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilong mỗi tháng và hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi sử dụng một lần. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Chợ dân sinh là nguồn phát thải túi nilong và đồ nhựa dùng một lần rất lớn
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn loại vật liệu này. Không thể thay thế, nhưng chúng ta có thể thay đổi. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với những mô hình như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hãy cho cá xin rác thải nhựa”. Một số thương hiệu lớn trong ngành dịch vụ cũng tiên phong thay thế các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần sang các sản phẩm tự phân hủy hoặc tái sử dụng, góp phần lan truyền mạnh mẽ những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường.
Nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi phòng chống rác thải nhựa của Chính phủ
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, đề án nhằm tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và hạn chế rác thải nhựa.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế rác thải nhựa còn rất khó khăn. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương và các ngành chức năng thì người dân cần thay đổi nhận thức, hạn chế việc sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp góp phần không nhỏ vào việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thế Đoàn