(Moitruong.net.vn) – Theo dự báo của cơ quan khí tượng tỉnh, thời điểm cuối tháng 12, tại các vùng núi cao trên địa bàn, nhiệt độ có thể xuống dưới 10oC. Đây là kiểu hình thái thời tiết rất bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, thậm chí còn có nguy cơ phát sinh một số dịch bệnh nguy hiểm… Qua đó, để đảm bảo những thiệt hại cho kinh tế, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại.
Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại
Báo cáo của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh đang gieo trồng 6.700ha cây vụ đông, chủ yếu là các loại cây ưa lạnh nên nền nhiệt trên 13oC như hiện nay cơ bản không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên dưới ngưỡng nhiệt độ này, cây có thể bị giảm sức khỏe hoặc chết.
Hiện TX Quảng Yên và TX Đông Triều là 2 địa phương có diện tích cây vụ đông lớn nhất tỉnh (đã gieo được 50ha mạ lúa xuân sớm). Để chống rét cho cây trồng, bà con nông dân đang tích cực thực hiện bón bổ sung phân kali, phân lân, giảm bón đạm để nâng cao “sức khỏe” cho cây; thực hiện tưới nước đảm bảo đủ ẩm cho những loại cây như: Hành hoa, ớt, cà chua, khoai tây, bắp cải, su hào, su lơ… Đối với cây mạ, bà con nông dân chủ động tưới đủ nước khi nhiệt độ xuống thấp để có độ ẩm bão hòa, rắc tro rơm rạ lên bề mặt luống hoặc dùng nilon trắng trùm lên để giữ ấm cho mạ.
Ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế, TX Quảng Yên, cho biết: Quảng Yên là vùng chuyên canh nông nghiệp, bà con nông dân trên địa bàn có kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với thời tiết giá rét nên họ rất sát sao trong việc theo dõi diễn biến nhiệt độ và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo sản xuất của cơ quan chuyên môn. Với nền nhiệt như hiện nay đang là phù hợp, thuận lợi cho cây vụ đông, nhất là các loại rau, vì vậy bà con tăng cường sản xuất, thu hoạch ngay khi đến thời điểm để giải phóng đất, gối các vụ kế tiếp hoặc vào vụ xuân.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y tỉnh, khi nền nhiệt giảm xuống mức 10oC sẽ làm giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh về phổi, tiêu chảy, cước chân… Riêng đối với đàn trâu, bò, khi nhiệt độ dưới 13oC người dân không nên tổ chức các hoạt động chăn thả trên bãi đất trống, trong rừng… mà phải nuôi nhốt trong chuồng, có che chắn gió và bổ sung thức ăn nước uống.
Qua kiểm tra của đơn vị chuyên môn, hiện một số địa bàn đã thực hiện kiên cố hóa chuồng trại cho đàn gia súc lớn, như các xã Hải Sơn, Bắc Sơn (TP Móng Cái), xã Tràng Lương (TX Đông Triều), Thượng Yên Công (TP Uông Bí), một số xã gần trung tâm của huyện Ba Chẽ. Đối với huyện Bình Liêu, địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất tỉnh, mặc dù chính quyền địa phương rất nỗ lực trong việc khuyến khích, vận động, có cơ chế hỗ trợ người dân kiên cố hóa chuồng trại nuôi nhốt gia súc lớn nhưng kết quả đạt được rất thấp, nhất là các thôn, bản xa trung tâm. Nguyên nhân chính là do nhiều hộ dân chưa có thói quen dự trữ thức ăn thô xanh, không bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn giàu đạm, nước uống ấm, vitamin, muối khoáng… cho gia súc. Một số thôn bản thuộc các xã: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ), Đài Xuyên, Bình Dân (huyện Vân Đồn), cũng chủ yếu xây dựng chuồng trại tạm bợ, chưa đủ điều kiện giữ ấm cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, cho biết: Thực tế mùa đông năm 2016, do nhiệt độ xuống thấp, người dân chủ yếu chăn thả gia súc chứ chưa chú trọng kiên cố hóa chuồng trại, bổ sung thức ăn để nuôi nhốt nên toàn tỉnh đã có đến 92 con trâu, 107 con nghé, 94 con bò, 440 con dê bị chết rét… thiệt hại nhiều tỷ đồng. Do vậy, đối với chuồng trại không đạt tiêu chuẩn, không đủ ấm, mất vệ sinh thì khả năng gia súc chết nhiều hơn so với chăn thả trên rừng. Bởi khi rét, gia súc thường bị bệnh cước chân, hỏng móng nên nếu vừa bị tê cứng do rét lại bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thì sức khỏe giảm sút nhanh hơn.
Đối với nuôi trồng thủy sản, hiện nền nhiệt như hiện nay chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi. Tuy nhiên, các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản cao, như: Móng Cái, Đầm Hà, Đông Triều, Tiên Yên… đã thực hiện hướng dẫn cho người nuôi kỹ thuật cơ bản trong phòng chống rét. Trong đó, khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không kéo lưới, quăng chài kiểm tra sinh trưởng hoặc thu hoạch theo hình thức đánh tỉa để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi, nhằm hạn chế tác nhân cơ hội dẫn đến nảy sinh dịch bệnh. Khi nhiệt độ nước dưới 150C thì ngừng cho ăn, đồng thời tăng cường áp dụng các hình thức tăng nhiệt độ cho ao nuôi.
Theo báo Quảng Ninh