Hiện nay, hai địa bàn huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, thành phố Hà Nội vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Ngập lụt sau mưa không những để lại thiệt hại lớn mà còn làm cuộc sống người dân bị đảo lộn. Trước tình hình như vậy, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ đang được nhanh chóng triển khai.
Đã một tuần kể từ ngày nước sông Bùi tràn vào làng xóm, nhà ở của hơn 1.300 hộ dân tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vẫn đang ngập trong biển nước, có nơi sâu tới 2m.
Mưa lũ kéo dài đã làm vỡ hai đập tại xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến, làm hư hỏng 601m kênh và 103 cầu, cống, đập nhỏ… Nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng; 1.874 con gia súc và 184.912 con gia cầm bị ảnh hưởng.
Người dân phải dùng thuyền để di chuyển vì đường xá bị ngập nặng. Nhiều người già, trẻ nhỏ trên địa bàn thôn hiện đã sơ tán đến các thôn khác. Thống kê thiệt hại của huyện do ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 2 ước tính khoảng 92 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Vui – Người dân thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội chia sẻ: “Ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến đang ngập lụt rất sâu, nước tràn vào trong nhà khiến cho sinh hoạt rất khó khăn. Đường xá đi lại cũng vô cùng vất vả.”
Bà Trương Thị Nhạn - Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội chia sẻ: “Hôm ấy nước vào nhà, nhờ mọi người chuyển đồ mà chạy không kịp. Đồ đạc bị ngâm trong nước hết, hôm trước nước lại lên tràn vào nhà, không khênh đi được, khổ lắm.”
Nước ngập sâu hơn 1m, có nơi tới 2m. Con đường chính dẫn vào thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến ngập hơn 1m. Chính quyền địa phương huy động xe chuyên dụng để chở người dân ra ngoài đi làm, đi chợ. Trận ngập lụt năm nay khiến nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất trắng.
Ông Vũ Công Nam – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã Tân Tiến chúng tôi tình hình ngập nước rút rất chậm, chỉ rút được mười phân nước so với hôm qua. Hiện nay, với vấn đề cung cấp nước sạch cho bà con , chúng tôi đã cung cấp 550 thùng nước lọc loại 20 lít và 200 thùng nước đóng chai và cũng đã bố trí 4 thùng chưa nước đặt tại trung tâm bơm vào téc để bà con có nước sinh hoạt.”
Tại xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) những ngày này chìm trong biển nước. Nước sông Tích Giang lên cao do mưa nhiều và thủy điện mở cửa xả đã làm cô lập hoàn toàn xóm Bến Vôi trong nhiều ngày qua. Các hộ dân gặp nhiều khó khăn, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, trong khi đó phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền, nhiều cánh đồng mất trắng, ngập chìm trong nước.
Người dân xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều vì ngập lụt. Đường không có phải trèo qua cửa sổ đi ra. Ăn uống cũng không được vì ngập bếp, chỉ có thể cắm nước ăn mì tôm.”
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết: “Từ đầu năm chúng tôi đã đưa ra phương án phục hồi sản xuất sau mưa lũ. Với phương châm nước rút đến đâu sẽ thực hiện tổng vệ sinh môi trường đến đó, chúng tôi cũng đã giao cho trạm y tế để chuẩn bị nguồn lực thuốc men để phục vụ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. khi nước rút, chúng tôi sẽ vận động toàn thể bà con nhân dân, đoàn viên thanh niên hỗ trợ nhân dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường.”
Trong và sau mưa lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đối với vấn đề này, Trạm y tế xã Cấn Hữu đã tiến hành công tác tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút.
Ông Dương Quang Huệ - Trưởng Trạm Y tế xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết: “Về vệ sinh môi trường sau khi nước rút, chúng tôi đã chuẩn bị một số hóa chất cũng như vôi bột để tiến hành khử khuẩn và nước rút đến đâu thì sẽ huy động tuyên truyền bà con vệ sinh sạch sẽ. Sau đó cán bộ môi trường của xã sẽ đi khử khuẩn bằng vôi bột.”
Ông Đỗ Văn Dương – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết: “Cái quan trọng là nước sạch để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay nước ngập đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của bà con và sau đợt ngập úng này, chúng tôi sẽ ra quân khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt là diệt loăng quăng, bọ gậy, phun thuốc khử trùng, rải vôi bột để đảm bảo cuộc sống của nhân dân sau mưa lũ được an toàn.”
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cho người dân, đối với những làng, xã thuộc khu vực đê hữu sông Bùi, ở những vùng trũng, thấp cần phải có phương án di dời nhân dân. Cùng với đó, cần phải từng bước kiên cố hóa được những khu không thể di dời, hạn chế được tối đa thiệt hại khi có ngập, lụt. Ngoài ra các cấp cũng cần đầu tư quy hoạch lại hệ thống giao thông, nước sạch để bà con sống chung với lũ bớt khó khăn.