(Moitruong.net.vn) – Những năm gần đây, người dân và chính quyền các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên – Huế vô cùng lo lắng trước tình trạng biển xâm thực ngày càng gia tăng.
Người dân lo lắng trước tình hình biển xâm thực ngày càng gia tăng
Thống kê cho thấy, sạt lở diễn ra với chiều dài hơn 10km, nghiêm trọng là các đoạn qua các xã Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).
Đến xã Phú Thuận, dọc bờ biển nơi đây là hình ảnh những ngôi nhà bỏ hoang, tường vách sập đổ vùi lấp dưới cát trắng làm cho vùng quê này hiện lên với khung cảnh tiêu điều, xơ xác. Ông Trần Văn Ngọc cho biết: “Năm 2001, điểm sạt lở cách nhà tôi khoảng hơn 70m, mà giờ đã tiến sát móng nhà. Khu trang trại này trước đây tôi nuôi tôm giống, mỗi dịp xuất bán cũng có lãi 100 triệu đồng nhưng nay phải bỏ hoang vì sạt lở, kinh tế gia đình từ đó cũng khó khăn hơn”.
Còn ông Lê Lương nói: “Tôi ở đây đã hơn 30 năm, tình hình sạt lở mạnh bắt đầu diễn ra vào trận bão năm 1999 cho đến nay. Đặc biệt những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh. Trước nhà cách bờ biển khá xa mà giờ chỉ cần vượt qua độn cát là có thể thấy biển”.
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, với đặc thù biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh như một số địa bàn khác, gió, nước, xâm thực, sạt lở hầu như trực tiếp và xói mòn đất dưới chân vào. Thời tiết bình thường, tốc độ sạt lở xảy ra trên địa bàn xã từ 3 – 5m/năm. Năm nào nhiều bão, áp thấp, tốc độ sạt lở tăng 5 – 7m/năm. Về lâu dài thì UBND xã sẽ kiến nghị lên các cấp để có phương án xây dựng kè bờ biển chống sạt lở. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vận động các hộ dân di dời đến nơi an toàn và giúp người dân tái định cư để ổn định cuộc sống.
Trước thực trạng sạt lở càng ngày càng mạnh, những năm qua UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đầu tư các dự án chống sạt lở bờ biển. Tuy vậy, hiện vẫn còn khoảng 7km đang phải đối mặt với nạn biển xâm thực. UBND tỉnh cho biết, trước mắt sẽ chỉ đạo các địa phương có biện pháp gia cố xử lý khẩn cấp các đoạn xung yếu, chống xói nước mặt hạn chế những hư hỏng tiếp theo; tiến hành rà soát, chủ động lập kế hoạch di dời các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị sạt lở nguy hiểm.
Theo Đại đoàn kết