Nha Trang đưa ra các giải pháp phục hồi san hô ở Hòn Mun

Ánh Minh|27/07/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng 26/7, lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết vừa báo cáo kết quả, giải pháp xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun trình UBND tỉnh Khánh Hòa, trong đó sẽ đề xuất khoanh vùng, bảo vệ và lắp camera theo dõi.

trong-3.jpg
San hô bị sụt giảm nghiêm trọng tại Hòn Mun.

Theo đó, UBND TP Nha Trang đã chỉ đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang phối hợp các đơn vị khác vào cuộc nghiên cứu, khảo sát hiện trường, điều tra nguyên nhân suy giảm hệ san hô.

Trong các giải pháp đưa ra, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga sẽ tiếp tục trồng phục hồi san hô thí điểm ở một số khu vực Hòn Mun và các điểm khác trong vịnh Nha Trang bằng phương pháp giá thể Rinbbon, trên cơ sở kế thừa kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học trước đây.

Từ đó lựa chọn phương pháp tối ưu, tiến tới xây dựng phương án phục hồi trên diện rộng đối với vịnh Nha Trang (ứng dụng đặc điểm sinh sản vô tính của san hô để thực hiện).

Tương tự, Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ khai thác thủy sản Nha Trang - ĐH Nha Trang - cũng trồng phục hồi san hô ở Hòn Mun bằng phương pháp Biorock.

Đây là phương pháp kích thích bằng điện tích tạo điều kiện hình thành các bề mặt phù hợp cho các hợp tử san hô bám vào và phục hồi cá thể mới.

UBND TP Nha Trang cũng đề nghị thành lập ban điều phối để chỉ đạo đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học Khánh Hòa, trong đó có vịnh Nha Trang.

trong-4.jpg
Trồng phục hồi san hô ở Vịnh Nha Trang.

Đội công tác liên ngành xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát 24/24h với sự tham gia của Bộ đội biên phòng, Công an, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang.

Đăc biệt, đề xuất phương án lắp phao phân vùng, biển hiệu tại những khu vực được thực hiện trồng phục hồi san hô; lắp camera dạng năng lượng mặt trời nhằm tăng cường giám sát ở khu vực Hòn Mun (kinh phí gần 260 triệu đồng).

Ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cho biết camera sẽ được lắp ở các điểm trên đảo để tăng cường giám sát các hoạt động tàu cá, tàu lặn trên mặt nước trong phân khu bảo tồn.

Phía ban quản lý vịnh cũng đề xuất xin kinh phí đầu tư camera lặn dưới nước thay thế sức người và dễ dàng kiểm tra tốc độ sinh trưởng san hô. Đồng thời làm "Đề án nâng cao năng lực quản lý" để trình cơ quan chức năng tăng thêm nguồn nhân lực, phương tiện trong công tác giám sát, bảo tồn sắp tới.

"Từ ngày 27/6 chính thức tạm ngừng các hoạt động bơi, lặn biển ở một số khu vực trong vịnh Nha Trang, nhất là đảo Hòn Mun. Đến thời điểm này chỉ có thể lặn ở khu vực Hòn Rơm và chúng tôi cũng quy định thợ lặn phải có bằng chuyên nghiệp mới được lặn ở đây.

Hiện ban quản lý đang phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiến hành phân loại lại các vùng san hô trong vịnh Nha Trang, sau đó sẽ kiến nghị vùng nào cho phép hoạt động, vùng nào không cho phép để phục hồi san hô. Dự kiến sớm nhất trong tháng này sẽ có văn bản tiếp theo về các vùng được phép hoạt động, khai thác trở lại", ông Thái thông tin thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nha Trang đưa ra các giải pháp phục hồi san hô ở Hòn Mun
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.