6 tháng qua, Điện Biên không mưa mặc dù thời điểm tháng 4, tháng 5 là những tháng bắt đầu mưa lũ. Nhiều nơi ở trên địa bàn tỉnh Điện Biên người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, chống chọi với nạn hạn hán. Tại các hồ điều tiết nước phục vụ cho ngành nông nghiệp cũng đang ở cao trình “mực nước chết”.
Những dòng suối đã trơ đáy.
Ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cho biết: Rất nhiều tháng nay trời không mưa nên nguồn nước ăn không có. Có những bản như: Tủa Sìn Thàng, Cang Chua, Sín Chải, Chế Cu Nhe… đều thiếu nước nghiêm trọng, người dân phải đi chở nước xa nhà từ 5 đến 10km. Điển hình như bản Tủa Sìn Thàng và Sín Chải.
Tại các xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, TX. Mường Lay, huyện Điện Biên rất nhiều bản không đủ nước dùng trong sinh hoạt. Ngay cả các xã vùng lòng chảo của huyện Điện Biên và trung tâm một số huyện thị đang thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Lường Văn Sơn, Trưởng thôn đội 7, xã Sam Mứn, cho biết: Chưa năm nào hạn giống năm nay, người dân phải mua nước để dùng. Giếng nhà tôi sâu 16m mà cạn đáy, chỉ múc được 1, 2 xô là hết. Các giếng khoan tại khu vực này cũng không có nước. Có nhà khoan sâu tận 70m mà cũng không có nước. Tại đội 6, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên có 105 hộ hầu như giếng nhà ai cũng cạn tới đáy, người dân phải dùng xe ô tô đi chở nước về dùng
Theo Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên được giao quản lý 11 hồ chứa nước trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ gồm: Pa Khoang, Huổi Phạ, Sái Lương, Pe Luông, Bồ Hóng… và hệ thống kênh Đại thủy nông Nậm Rốm, được biết nhiều hồ chứa nước ở tỉnh này “đang ở cao trình mực nước chết” các hồ như: Pa Khoang, Sái Lương, Bồ Hóng và rất nhiều hồ chứa khác “đang tiệm cận báo động mực nước chết.”
Đơn vị này cảnh báo, nếu tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài, mực nước ở các hồ và một số sông suối lớn ở Điện Biên sẽ không đủ nước để tưới tiêu cho vụ mùa sắp tới, Điện Biên sẽ phải đối mặt với nạn hạn hán và nhiều diện tích hoa màu, lúa nước có nguy cơ không đủ nước để gieo trồng. Nắng hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn.
Điện Biên nằm ở thượng nguồn của 3 hệ thống lưu vực sông, gồm: sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Nguồn nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nước sông, suối, ao, hồ, trong khi đó lượng mưa trung bình mỗi năm khoảng 1.500 – 2.000mm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 18 hồ chứa nước, trong đó hồ Pa Khoang là hồ chứa nước lớn nhất với diện tích 6km2.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố hạn hán, việc nhiều hộ dân đã tự đào, khoan giếng bổ sung thêm nguồn nước ngầm để phục vụ trong sinh hoạt, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng nguồn nước không hợp lý và gây thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Thiếu nước sinh hoạt nhiều ngiời dân buộc phải tận dụng cả những vũng nước không mấy sạch sẽ
Ngoài ra, các hoạt động sản xuất của người dân, cùng với việc khai thác khoáng sản đất, cát…; xây dựng công trình thủy điện đã và đang ảnh hướng đến dòng chảy và chất lượng nước.
Mặc dù tài nguyên nước ở Điện Biên có trữ lượng khá dồi dào nhưng nguồn nước có thể dùng được ngay hay sẵn dùng là hữu hạn, vì phân bố không đồng đều trong mùa cũng như từng khu vực.
Mai Thùy (T/h)