Phát triển hiệu quả và bền vững cây cao-su đến năm 2030

Nhật lệ (T/h)|07/11/2019 03:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự kiến, đến năm 2030, diện tích cao-su cả nước khoảng 900 nghìn héc-ta, sản lượng cao-su đạt khoảng 1,43 triệu tấn, tăng hơn 84,3 nghìn tấn so năm 2020.

Đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 965 nghìn héc-ta cao-su với tổng diện tích cho thu hoạch là 686 nghìn héc-ta, năng suất đạt khoảng 16,6 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.141 nghìn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu mủ cao-su đạt hai tỷ USD, tính chung tất cả các sản phẩm cao-su xuất khẩu toàn ngành đạt hơn sáu tỷ USD.

Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao-su hiện là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cây cao-su đã mở rộng địa bàn từ nam ra bắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và vùng Tây Bắc.

Ảnh minh họa

Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 250 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân tham gia chế biến cao-su với công suất đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm. Về cơ cấu sản phẩm, ngành cao-su đang có hướng điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thị trường thế giới nhưng đến nay mủ khối loại SVR3L (một loại phổ biến trong cao-su sơ chế) vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Loại mủ cao-su SVR10, SVR20 chỉ chiếm từ 15 đến 18,7%, trong khi đây là sản phẩm tiêu thụ thông dụng trên thế giới dùng để sản xuất lốp ô-tô và chiếm hơn 60% sản lượng tiêu thụ cao-su thiên nhiên toàn cầu.

Đây chính là những hạn chế, ngành cao-su cần sớm khắc phục, qua đó xây dựng định hướng phát triển cao-su dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng về đất đai, địa hình phù hợp ở các tiểu vùng để phát triển cây cao-su bền vững. Mặt khác phát triển cao-su phải theo hướng tập trung, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao theo chuỗi giá trị và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm chế biến phù hợp nhu cầu tiêu thụ thị trường thế giới.

Dự kiến, đến năm 2030, diện tích cao-su cả nước khoảng 900 nghìn héc-ta, sản lượng cao-su đạt khoảng 1,43 triệu tấn, tăng hơn 84,3 nghìn tấn so năm 2020; sản lượng xuất khẩu đạt một triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,31 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 450 nghìn lao động.

Cùng với việc sản xuất, chế biến mủ cao-su, hiện gỗ cao-su cũng đang trở thành một trong những nguồn nguyên liệu chính, đóng góp quan trọng cho ngành chế biến và sản xuất gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương lập đề án phát triển cao-su tiểu điền, giảm tình trạng trồng ngoài vùng quy hoạch, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây, tránh tình trạng người dân trồng rồi lại chặt khi giá cao-su xuống thấp. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao-su để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, ngành cao-su cần khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, trồng, chế biến các sản phẩm công nghiệp cao-su. Bên cạnh đó, ngành cao-su phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống người dân vùng trồng cao-su. Đồng thời, phải xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm duy trì khách hàng cũ, tăng khách hàng mới.

Nhật lệ (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển hiệu quả và bền vững cây cao-su đến năm 2030
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.