Phú Yên: Phát triển bền vững từ các ngành kinh tế mũi nhọn

Hà An|13/10/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những năm gần đây, ngành kinh tế mũi nhọn ở Phú Yên là nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, một số thế mạnh khác được tập trung khai thác là công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đồng thời định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp với hàm lượng chất xám cao.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, có tới 2 nhiệm vụ liên quan đến các ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, để đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển bền vững; và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên giai đoạn 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 20,09%, công nghiệp – xây dựng chiếm 31,43%, dịch vụ chiếm 44,09%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 3.830 USD (tương đương 88 triệu đồng). Quy hoạch Phát triển Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu là ngành du lịch từng bước trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.

Phú Yên phát triển du lịch bền vững

Với Khu kinh tế Nam Phú Yên, dựa trên phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Phú Yên cũng đặt ra yêu cầu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực…

Trong khi đó, phát triển nông – lâm – ngư nghiệp bền vững, theo hướng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phấn đấu giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp tăng bình quân 3,5 – 4%/năm. Đặc biệt, từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Chú trọng phát triển kinh tế biển, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng – an ninh; cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cá ngừ đại dương. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi. Khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Công nghiệp và xây dựng phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao, tạo đột phá thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu giá trị gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng bình quân trên 10%/năm.

Nâng cao hiệu quả đầu tư, cả đầu tư công và tư. Duy trì tỷ trọng đầu tư công hợp lý trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đi đôi với tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan tâm thu hút các nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương, để phục vụ đầu tư phát triển. Phấn đấu trong 5 năm tới, huy động khoảng 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, trong đó vốn ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 65.000 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10.000 tỷ đồng.

Phú Yên có lợi thế lớn về địa chiến lược, là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây, lại có địa phận trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung – Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Quy hoạch phát triển Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu: Phát triển ngành Du lịch Phú Yên từng bước trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển các tour du lịch chuyên đề: tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh; ẩm thực, mua sắm; du lịch khám phá, mạo hiểm…; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên…

Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có hàm lượng công nghệ cao, nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Hà An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Phát triển bền vững từ các ngành kinh tế mũi nhọn