Theo đó đến hết năm 2025, toàn tỉnh Quảng Bình phấn đấu trồng thêm được ít nhất 10,187 triệu cây xanh, trong đó 1,953 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn; 8,234 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước, vì một “Việt Nam xanh”.
Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh” được triển khai tại Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu việc tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phân tán phải đúng thời vụ, thực hiện thường xuyên, lâu dài. Việc lựa chọn loài cây phải phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường, đặc biệt là các loài cây lâu năm, tránh tình trạng cây trồng được một thời gian lại thay thế. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được đặc biệt quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện Đề án là hơn 204 tỷ đồng. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ cân đối bố trí ngân sách để hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Hoàng Linh