Quảng Nam: Cần thêm cơ chế khuyến khích phát triển du lịch xanh

Gia Hân|29/05/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau hai năm triển khai, Quảng Nam là địa phương cấp tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh. Tuy nhiên vẫn còn thiếu cơ chế khuyến khích để lan tỏa.

Sáng 26/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu và lãnh đạo Sở VH-TT&DL chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 5177 của UBND tỉnh về phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.

Mục tiêu cụ thể mà Kế hoạch hướng đến nhằm làm mới sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị sản phẩm du lịch thu hút du khách góp phần tăng lượt khách, tăng doanh thu, thu hút lao động địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương. 
Xây dựng mô hình du lịch xanh kiểu mẫu dựa trên các giá trị tiềm năng thiên nhiên và văn hóa bản địa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch xanh, tour trải nghiệm du lịch  xanh thực sự có giá trị.

aca21e7f-6f07-4302-ad1e-4e9cfdabae29.jpeg
Du lịch tại làng cổ Lộc Yên - Quảng Nam

100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hành áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh. 

Hiện nay có 11 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam và thiết lập được nhiều mô hình du lịch xanh ở nhiều loại hình du lịch. Nhận thức về phát triển du lịch xanh được lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương, ở cả khu vực công lẫn khu vực tư. Năm 2023, đã có hơn 20 đơn vị nộp hồ sơ tham gia và sẽ tổ chức đánh giá trong thời gian đến.

Qua hai năm thực hiện, thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và hoạt động chuyển đổi mô hình du lịch xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả du khách đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi nhận thức về chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh của tỉnh nói chung và định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh nói riêng.

Nhiều doanh nghiệp có chuyển hướng áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh trong quá trình vận hàng, việc chuyển đổi theo hướng xanh bền vững không chỉ góp phần bảo vệ môi trường tương lai mà còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và còn làm tiền đề để các doanh nghiệp địa phương có kinh nghiệm trong việc hướng đến nhãn hiệu DL xanh theo tiêu chuẩn quốc tế,…

Bên cạnh đó, cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đến từ những yếu tố khách quan như ảnh hưởng thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng áp lực cho việc xử lý rác thải, nước thải; cơ sở hạn tầng ở các điểm du lịch còn hạn chế,…Những yếu tố chủ quan như môi trường du lịch chưa đảm bảo; sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp hoạt động có liên quan đến du lịch còn hạn chế; chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, khu điểm du lịch chuyển đổi hoạt động đáp ứng theo Bộ tiêu chí xanh, bền vững,…

2f6d216a-2f9d-4b8c-8971-b367b56a6b7c.jpeg
Quảng Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch xanh

Tại hội nghị, nội dung được nhiều địa phương, doanh nghiệp quan tâm và đặt vấn đề là việc thiếu cơ chế khuyến khích để thúc đẩy, lan tỏa du lịch xanh. Bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An thông tin, mạng lưới doanh nghiệp du lịch ở Hội An chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên cần cơ chế hỗ trợ các đơn vị này tham gia thực hiện du lịch xanh bởi nếu không có các hình thức ưu đãi, khuyến khích thực chất thì với nguồn lực hạn hẹp của doanh nghiệp rất khó để chuyển đổi.

Đồng quan điểm, đại diện UBND huyện Tiên Phước thông tin, việc phát triển du lịch tại địa phương hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, nguồn thu không nhiều nên người dân không mặn mà. Nếu không có cơ chế hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển du lịch xanh thì rất khó để vận động, lan tỏa.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đề xuất, bên cạnh hỗ trợ về chính sách, tài khóa, cơ quan chức năng có thể ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy du lịch xanh bắt đầu bằng truyền thông và thu hút nguồn khách thông qua việc tổ chức sự kiện. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu giải pháp thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh, trước mắt là cần duy trì sự kiện hội chợ du lịch xanh Quảng Nam (được tổ chức lần đầu vào năm 2022) định kỳ để đối tác tìm hiểu, thúc đẩy giao dịch sản phẩm du lịch xanh.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, hiện nay việc phát triển du lịch xanh của Quảng Nam vẫn ở giai đoạn vận động các doanh nghiệp, đơn vị tự nguyện áp dụng, thực hành chứ chưa có cơ chế khuyến khích lẫn chế tài để thúc đẩy vấn đề này.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng việc phát triển du lịch xanh đang đi đúng hướng nhưng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của đa ngành, đa lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành du lịch bởi định hướng này có tầm nhìn dài hạn về sau.

Ông Hồ Quang Bửu đề nghị Sở VH-TT&DL nghiên cứu tham mưu một nghị quyết về hỗ trợ, thúc đẩy du lịch xanh để trình HĐND tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 thì mới có thêm nguồn lực, giải pháp căn cơ để thúc đẩy du lịch xanh Quảng Nam tiếp tục lan tỏa. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Cần thêm cơ chế khuyến khích phát triển du lịch xanh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.