Quảng Nam loại bỏ cả chục thủy điện nhỏ, trừ hậu họa cho dân

Theo Lao Động|17/10/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Xây dựng thủy điện trở thành phong trào lớn, ào ạt ở những năm đầu thập niên 20. Tuy nhiên, cũng ngay lập tức, làn sóng phản đối thủy điện cũng nổi lên, dồn dập, bởi dù mang lại lợi ích kinh tế, an ninh năng lượng rất lớn, nhưng thủy điện – nhất là công trình nhỏ, bậc thang luôn tiềm ẩn gây nguy cơ gây tai họa cho cộng đồng và môi trường…

Miền Trung – địa bàn có mật độ thủy điện dày đặc. Riêng tỉnh Quảng Nam, có đến 47 dự án thủy điện, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn dân ở hạ du. Nhưng đây cũng là địa phương kiên quyết loại bỏ đến 11 dự án thủy điện lớn nhỏ trong quy hoạch chung, nhằm bảo vệ người dân và môi trường.

Hậu quả nhãn tiền

Trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, hiện có không dưới 47 dự án thủy điện, trong đó 36 dự án đã được triển khai. Quảng Nam từng trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp đầu tư thủy điện. Chính sự dễ dãi trong việc cấp phép đã đánh cược sự an nguy của người dân trước những hiểm họa khôn lường. Đó là chưa kể các loại hồ thủy lợi trên vùng cao, vốn là những túi nước treo trên đầu dân, tiềm ẩn nhiều rủi ro mỗi mùa mưa bão.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Việt Nam có trên 6.500 hồ đập lớn nhỏ, với hơn 65 tỉ m3 nước treo trên thượng nguồn, luôn đe doạ sự an nguy của người dân vùng hạ du mùa lũ. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý hồ đập còn chồng chéo. Các hồ thuỷ điện thì thuộc Bộ Công Thương, hồ thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), các lưu vực sông thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), các hồ đập nhỏ lại thuộc chính quyền các tỉnh… quản lý, vận hành xả lũ chưa thống nhất…

Như Thủy điện Đắk Mi4, huyện Phước Sơn, năm 2007 chặn dòng sông Đắk Mi, tích hơn 500 triệu m3 nước để phát điện. Lẽ ra, Đắk Mi4 phải trả nước lại dòng cũ sau nhà máy. Nhưng thủy điện này đã dẫn nước sang sông Thu Bồn để tận dụng độ chênh lệch cao, khai thác tối đa hiệu quả phát điện. Hàng triệu m3 nước của sông Đắk Mi đã bị chuyển sang sông Thu Bồn, khiến Đắk Mi thành dòng sông chết.

Vi phạm nghiêm trọng về Luật Tài nguyên nước, nhưng quan trọng hơn là làm trái quy luật tự nhiên và cả khoa học, gây hệ lụy nghiêm trọng cho hạ du. Đã nảy sinh kiện tụng, tranh giành nguồn nước từ 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam đến nay chưa dứt.

Hơn 1 thập niên qua, cả 1 triệu dân Đà Nẵng phải đối mặt với thiếu nước, nhiễm mặn… Nhưng mùa mưa, thủy điện này lại xả lũ qua dòng cũ, hạ du sông Vu Gia lại gánh nạn. Tương tự, thủy điện A Vương cũng đã từng xả lũ gây chồng lũ, hạ du bất ngờ, thiệt hại chồng chất trong mùa mưa 2009. Rồi tháng 9.2016, Thủy điện sông Bung 2 vỡ hầm dẫn dòng. Chỉ 26 triệu m3 nước tuôn ra khỏi đập, tương đương 1/10 dung tích của hồ sông Bung 2, nhưng đã tạo ra cơn lũ dữ nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih.

Ảnh minh họa

Kiên quyết loại bỏ hàng chục thủy điện ra khỏi quy hoạch

Thực ra, làn sóng phản đối xây dựng thủy điện bậc thang đã diễn ra rất sớm, ban đầu từ các nhà chuyên môn, chuyên gia môi trường, lâm sinh, các đại biểu Quốc hội… Nhưng phải đến khi hàng loạt tai nạn, sự cố xảy ra, phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề của người dân và môi trường thì làn sóng đó mới dồn dập. Từ những bài học thực tiễn kể trên, Quảng Nam đã kiên quyết đấu tranh để loại bỏ ra khỏi quy hoạch hàng chục dự án thủy điện nhỏ, bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn. Tuy nhiên, cũng phải mất nhiều năm, quyết tâm này mới từng bước giải quyết được.

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, đã có thời gian Việt Nam nóng vội phát triển thủy điện, nên gặp nhiều bất cập, đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục. Những năm gần đây, Quảng Nam đã nhiều lần rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin phép giảm các dự án thủy điện lại và không phát triển thêm. Có ít nhất 11 thủy điện bị loại khỏi quy hoạch.

Ông Thanh cũng thừa nhận, việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện ở miền Trung trong thời gian ngắn còn bộc lộ nhiều yếu điểm, chủ quan và thiếu tính bền vững, kể cả các cơ sở pháp lý cũng chưa đồng bộ, chặt chẽ. Miền Trung địa hình dốc núi cao, muốn ngăn được hồ chứa có dung tích lớn thì phải xây đập cao. Đã vậy, những thiết kế lại không được thẩm định các yếu tố liên quan đến môi trường. Nhiều thủy điện không có cống xả đáy, xả bù cát, hồ chứa không thiết kế dung tích phòng, cắt lũ. Chưa kể các phương án vận hành liên hồ chứa, vận hành các mùa khô hạn, lũ lụt… đều thiếu và phải từng bước xây dựng hoàn thiện sau khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, gây tác hại đến môi trường, cộng đồng.

Tuy vậy, đến nay, Quảng Nam dần hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý, vận hành các thủy điện, đã giảm thiểu mức thấp nhất mặt trái. Nhưng, hiện nay các dự án thủy điện nhỏ, bậc thang đang triển khai ở các địa phương Bắc Trung Bộ, từ Thừa Thiên Huế trở ra, đang gánh những hậu quả, mặt trái của nó mà Quảng Nam đã từng trải qua hơn 1 thập niên vừa qua. Sự cố thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên-Huế làm thiệt mạng hàng chục người hôm nay là thêm một bài học đau xót.

Theo Lao Động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam loại bỏ cả chục thủy điện nhỏ, trừ hậu họa cho dân