Quảng Ninh hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững

Hoàng Anh|28/09/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước đã ban hành nhiều chính sách hiệu quả để phát triển lâm nghiệp bền vững. Thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và đất rừng hiệu quả.

Quảng Ninh có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%, với trên 370.000ha đất có rừng. Những cánh rừng xanh là vành đai bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định...

quang-ninh.jpg
Ảnh minh họa

Để nhân rộng những cánh rừng, nhất là rừng gỗ lớn, những năm qua tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đặc biệt, ngay sau khi Luật Lâm nghiệp (số 16/2017/QH14) có hiệu lực (ngày 1/1/2019), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn 2030". Thực hiện Nghị quyết, các ngành, địa phương trong tỉnh có sự phối hợp, thống nhất hành động, hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, đáp ứng xu hướng phát triển trong tình hình mới.

Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc. Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 19-NQ/TU được đẩy mạnh, nhất là những quan điểm mới về phát triển lâm nghiệp; các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phát triển lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững được tỉnh đã được phê duyệt. Điển hình, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 60/CTr-UBND (ngày 6/1/2020" về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU; Quyết định số 62/QĐ-UBND (ngày 10/1/2020) về việc phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Văn bản số 1419/UBND-NLN1 (ngày 9/3/2020) về việc triển khai một số nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp...

Tháng 5/2020, UBND tỉnh cùng với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) ký kết chương trình hợp tác về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030. Chương trình phối hợp tập trung vào các nội dung: Chuyển giao tiến bộ KHCN lâm nghiệp; triển khai các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác phát triển nguồn gen các loài thực vật quý hiếm; phát triển các mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững; đào tạo cán bộ lâm nghiệp chất lượng cao; xây dựng một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh...

Ngày 24/3/2021, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIII, đã thông qua Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chính sách hỗ trợ này được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ với nhiều ưu đãi: Hỗ trợ 100% giống, lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại, vay vốn tín dụng chính sách. Qua đó đã tạo động lực rất lớn cho phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, đem lại "lợi ích kép" vừa hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lâm nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.

Đặc biệt, Quảng Ninh là một trong 8 địa phương trong nước được thụ hưởng từ Dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển - FMCR” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện. Đến nay tỉnh đang dẫn đầu trong việc bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ tốt hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Với những quyết sách kịp thời cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là người dân, trong 3 năm qua công tác trồng và chăm sóc rừng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong trồng rừng gỗ lớn. Qua đó không chỉ giúp tỉnh nhanh chóng hồi sinh những cánh rừng, mà còn nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 2 năm (2020-2021) toàn tỉnh đã trồng được 24.412ha rừng (20.694ha cây keo, 1.165ha cây bạch đàn, 1.098ha cây quế, 1.001ha cây thông, 110ha cây lim, 90ha cây giổi, 50ha cây hồi…), bình quân 12.206ha/năm, tăng 1.412ha so với giai đoạn 2018-2019; gần 1,2 triệu cây phân tán, tăng 221.000 cây so với giai đoạn 2018-2019, nâng tổng số 370.000ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong nước, góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đạt trên 55%.

Thực hiện nhiệm vụ trồng 2.000ha cây lim, giổi, lát trong năm 2022, 11/13 địa phương (trừ huyện Cô Tô và TX Quảng Yên) đã xây dựng kế hoạch và đồng loạt triển khai nhiều hoạt động trồng rừng. Đến hết tháng 6/2022, diện tích rừng trồng tập trung toàn tỉnh trên 8.813ha, đạt gần 98% kế hoạch năm, trong đó có trên 1.120ha cây lim, giổi, lát.

Giá trị khai thác gỗ rừng trồng trong 2 năm 2020-2021 tăng đáng kể. Theo ước tính có 18.900ha rừng trồng được khai thác, sản lượng trên 1,1 triệu m3, tương đương 573.020m3/năm (tăng 43% so với mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU). Khai thác lâm sản ngoài gỗ đạt trên 5.100 tấn, tương đương 2.555 tấn/năm (tăng 2% so với mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU). Trên địa bàn tỉnh còn hình thành nhiều vùng sản xuất dược liệu với sản lượng khai thác 1,5 tấn củ cây ba kích, 25 tấn trà hoa vàng tươi/năm.

Bài liên quan
  • Thái Nguyên nhân rộng những cánh rừng FSC
    Nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng cho người dân, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền, vận động người dân xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thực hiện các nội dung để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ninh hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.