Theo đó, huyện Cô Tô yêu cầu các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.
Ngày 1/9, lượng khách đến với Cô Tô khá đông với khoảng 11 chuyến tàu ra huyện đảo với khoảng 2.000 khách du lịch.
Từ 6h30 sáng ngày 1/9, các lực lượng chức năng huyện Cô Tô đã có mặt tại cảng khách Cái Rồng (huyện Vân Đồn ) thực hiện tuyên truyền hướng dẫn du khách đổi miễn phí túi nilon khó phân hủy sang túi giấy, túi nilon thân thiện môi trường.
Các du khách và hãng tàu vận chuyển khách du lịch đều vui vẻ thực hiện những khuyến nghị của UBND huyện Cô Tô và tự giác để lại túi nilon, đổi túi nilon trước khi xuống tàu.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó chủ tịch UBMTTQ huyện Cô Tô cho biết: Để duy trì hoạt động này, địa phương sẽ bố trí từ 2 đến 3 cán bộ, đoàn viên thanh niên mỗi ngày. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch và người dân địa phương tại Cô Tô cũng được tuyên truyền hạn chế túi nilon, đồ nhựa trong sinh hoạt, phục vụ du khách. Dự kiến sau 3 đến 6 tháng thí điểm, địa phương sẽ đưa vào áp dụng chính thức.
Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đón từ 6.000 - 8.000 khách du lịch. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt, rác thải đại dương thì lượng rác trong ngành du lịch đã và đang là gánh nặng cho môi trường huyện đảo.Việc thí điểm sẽ được thực hiện từ 3 - 6 tháng, trước khi được áp dụng chính thức.
Chính vì vậy, Cô Tô khuyến nghị khách du lịch không nên mang theo túi nilon và đồ nhựa một lần khi ra đảo. Một hành động nhỏ của du khách sẽ giúp cho Cô Tô giữ được không khí và môi trường trong lành, hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường và đại dương.
Lượng rác thải gia tăng là bài toán khó đối với địa phương vì quỹ đất để chôn lấp rác thải rất ít, chi phí vận chuyển rác thải nhựa khi đã được phân loại về đất liền cũng khá lớn. Huyện Cô Tô mong muốn với chủ trương "không mang đồ nhựa và túi nilon ra đảo" sẽ nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của nhân dân và du khách.