Emagazines

Rác thải từ hàng quán vỉa hè - Mối nguy hại đối với môi trường Bài 4: Cần tăng cường công tác quản lý

Thanh Thảo - Hoàng Thơ 03:21 12/10/2024

Theo các chuyên gia, việc tăng cường công tác quản lý rác thải từ các hàng quán vỉa hè là điều cấp thiết, nhằm hướng tới một môi trường sống trong lành và bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

1920x1080-3.png

Do ý thức hay chỉ là thói quen?

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc xả rác tại các quán ăn vỉa hè trở nên phổ biến, trong đó, ý thức của cả người bán và người mua hàng là một trong những yếu tố cốt lõi.

co-an-11.png

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Bùi Thị An, PGS. TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng, chính ý thức kém đã gây ra vấn nạn xả rác tại các hàng quán vỉa hè. Ngoài ra, thói quen của khách cũng là một trong những nguyên nhân.

thay-ca11.png

Việc kinh doanh tại các hàng quán vỉa hè không chỉ đơn giản là bày bán và thu tiền, mà còn liên quan đến việc duy trì vệ sinh môi trường xung quanh. Đáng tiếc, không phải tất cả những người bán hàng đều ý thức được tầm quan trọng của việc này. Rất nhiều hàng quán sau khi kết thúc buổi bán hàng, khu vực xung quanh trở thành “bãi rác” với các loại hộp xốp, túi nhựa, giấy vụn ngổn ngang.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là sự thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng của một số người bán hàng. Họ thường chỉ tập trung vào việc bán hàng, không quan tâm đến việc rác thải sẽ được xử lý ra sao sau khi khách hàng đã sử dụng sản phẩm của họ. Nhiều người cho rằng, việc dọn dẹp rác thải là trách nhiệm của đội vệ sinh môi trường chứ không phải của mình. Do đó, họ có xu hướng “vô tư” xả rác hoặc không chú ý đến việc dọn dẹp sau mỗi buổi bán hàng.

screenshot-2024-10-06-152420.png
Nhiều người bán hàng rong thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là sự thiếu hụt các công cụ hỗ trợ vệ sinh. Nhiều hàng quán vỉa hè không có thùng rác riêng để khách hàng có thể vứt rác ngay tại chỗ. Điều này dẫn đến việc rác thải từ quá trình tiêu thụ thức ăn, nước uống bị vứt lung tung, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số chủ quán bán hàng rong trên vỉa hè, không phải tất cả các quán vỉa hè đều không chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường mà đôi khi chỉ là thói quen. Ngoài ra, việc kiểm soát việc vứt rác của khách hàng cũng không phải chuyện đơn giản.

Chị Bùi Thị Minh (37 tuổi), chủ một gánh xôi trên khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội chia sẻ: “Thú thật là có một số hàng quán không giữ vệ sinh tốt. Một phần là do bận bán hàng, nhiều khi khách đông quá thì họ không có thời gian dọn dẹp ngay, nên rác có thể bị bỏ lại trên vỉa hè. Nhưng không phải ai cũng thế đâu, nhiều người như tôi luôn cố gắng giữ sạch khu vực mình bán. Còn chuyện xả rác, có nhiều lúc chính khách hàng xả chứ không phải người bán. Việc này rất khó kiểm soát.”

Ông Nguyễn Văn Hưng (56 tuổi), chủ một xe bán xiên chiên ở ngõ 130 Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng cho biết: “Khách mua hàng xong, có người vừa ăn vừa đi, rồi vô tư ném que xiên, vỏ lon, túi ni-lông xuống đường. Chúng tôi nhiều khi nhắc nhở nhưng không phải ai cũng nghe, nhất là khi đông đúc. Tôi thấy, nếu có nhiều thùng rác hơn thì tình hình chắc sẽ khác, vì nhiều khi họ chẳng thấy thùng rác đâu, cứ tiện tay là quăng xuống đường luôn”.

Không thể phủ nhận, một số người bán hàng rong có ý thức giữ gìn vệ sinh tốt, nhưng con số này vẫn còn rất nhỏ so với tổng thể. Những người này thường tự mang theo túi rác, dọn dẹp khu vực bán hàng sau khi kết thúc công việc. Tuy nhiên, nếu phần đông các quán hàng vẫn còn duy trì thói quen xả rác bừa bãi, vấn đề này sẽ tiếp tục tái diễn và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chung của đường phố.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người bán hàng về tình trạng xả rác bừa bãi, người mua hàng cũng đóng góp không nhỏ vào vấn đề này. Việc mua đồ ăn, nước uống ở các quán vỉa hè thường diễn ra nhanh chóng và tiện lợi, nhưng điều đó cũng kéo theo một số hệ lụy, đặc biệt là thói quen xả rác bừa bãi của khách hàng sau khi sử dụng xong.

Nhiều người mua hàng có thói quen ăn uống ngay tại chỗ và sau đó bỏ lại rác thải như hộp đựng thức ăn, cốc nhựa, ống hút trên vỉa hè mà không cần quan tâm đến việc tìm thùng rác hay giữ vệ sinh chung. Lý do của họ thường là do không thấy thùng rác hoặc đơn giản chỉ là sự lười biếng, thiếu trách nhiệm với môi trường. Đặc biệt, vào những dịp lễ, cuối tuần khi các khu vực như phố đi bộ đông đúc, lượng rác thải từ người mua hàng tăng lên đột biến, và cũng từ đó mà môi trường bị ô nhiễm nặng nề hơn.

screenshot-2024-10-06-152748.png
Nhiều người mua hàng có thói quen ăn uống ngay tại chỗ và sau đó bỏ lại rác thải như hộp đựng thức ăn, cốc nhựa, ống hút trên vỉa hè

Một số khách hàng có thể không cố tình xả rác nhưng lại có thói quen vô ý bỏ rác lung tung, hoặc không nhận thức được hậu quả từ hành động này. Sự vô ý thức trong việc vứt rác không đúng chỗ của nhiều người mua hàng chính là một trong những yếu tố gây nên cảnh tượng vỉa hè ngổn ngang rác thải sau mỗi buổi chiều đông khách.

Về phía người mua hàng, nhiều khách hàng cũng nhận định, hiện nay rất nhiều quán hàng rong đã có sọt rác để khách ăn xong bỏ vào. Tuy nhiên, có giữ được vệ sinh hay không thì phải cần ý thức từ cả người bán lẫn người mua.

“Một số quán rất gọn gàng, có cả túi rác riêng để gom rác thải, nhưng nhiều khi khách vừa ăn xong lại vứt bừa ra đường, kể cả khi có thùng rác gần đó. Ý thức của khách hàng cũng cần cải thiện. Dù quán có giữ vệ sinh nhưng khách không hợp tác thì cũng khó.” - Chị Thu Trang (27 tuổi, Hà Nội), một khách hàng chia sẻ.

Làm công việc tại một hãng vận chuyển từ sáng đến tối muộn mới kết thúc ca làm, anh Xuân Hùng (21 tuổi, Phú Thọ) thường xuyên lựa chọn ăn tối tại các hàng quán vỉa hè cho nhanh và tiện. Anh Hùng nhận định: “Tôi thấy đúng là có tình trạng xả rác bừa bãi ở nhiều hàng quán vỉa hè. Nhiều khi tôi đi mua đồ ăn, thấy rác thải, túi ni-lông, cốc nhựa vứt lung tung ngay dưới chân quán. Không phải quán nào cũng giữ vệ sinh tốt. Nhưng tôi nghĩ một phần cũng do khách hàng, nhiều người ăn xong không chịu vứt rác đúng chỗ, trong khi các quán bận rộn, không dọn kịp. Các quán có thể nhắc nhở khách hàng thường xuyên hơn, hoặc tạo biển báo nhỏ để nhắc khách bỏ rác đúng chỗ. Chính quyền nên đặt thêm thùng rác ở các khu vực tập trung nhiều quán hàng và nhắc nhở người dân, khách du lịch giữ gìn vệ sinh công cộng.”

screenshot-2024-10-06-153118.png
Rác thải được chất đống ngay bên cạnh xe nước mía, rất mất vệ sinh

Như vậy, trên thực tế, tình trạng xả rác tại các hàng quán vỉa hè không chỉ bắt nguồn từ người bán hàng mà còn xuất phát từ thói quen thiếu ý thức của người mua. Đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự thay đổi trong ý thức của cả hai bên tham gia vào quá trình mua bán hàng hóa: người bán cần có trách nhiệm hơn trong việc giữ vệ sinh khu vực kinh doanh của mình, và người mua cũng cần tự giác hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định.

Hệ quả từ sự buông lỏng quản lý

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của vấn nạn xả rác bừa bãi từ các hàng quán vỉa hè không chỉ đến từ ý thức, thói quen của người bán và người mua, mà sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ sự buông lỏng trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Sự thiếu giám sát, quản lý và thực thi các quy định vệ sinh môi trường đã khiến vấn nạn này ngày càng trầm trọng và trở thành một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các đô thị.

Theo PGS. TS Vũ Thanh Ca, nhiều người bán hàng ở các hàng quán vỉa hè thường ngại nhắc khách vì họ sợ mất khách. Hơn nữa, họ không chịu bất cứ một chế tài nào nếu không nhắc khách.

thay-ca-22.png

Như vậy, nguyên nhân cốt lõi của vấn nạn xả rác bừa bãi tại các hàng quán vỉa hè có thể được quy về sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Dù các quy định về vệ sinh môi trường đã được ban hành, nhưng việc thực thi những quy định này tại các khu vực công cộng, đặc biệt là các hàng quán vỉa hè, vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể:

Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý và giám sát hoạt động của các hàng quán vỉa hè, đặc biệt là về vấn đề vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều khu vực, sự giám sát này dường như không tồn tại hoặc rất lỏng lẻo. Nhiều quán hàng vẫn tự do kinh doanh mà không tuân thủ các quy định về vệ sinh công cộng, không có biện pháp thu gom và xử lý rác thải sau khi kết thúc buổi bán.

Việc thiếu nhân viên giám sát và kiểm tra thường xuyên đã tạo ra kẽ hở cho nhiều hàng quán vỉa hè bỏ qua các quy định về vệ sinh môi trường. Rác thải từ các hoạt động kinh doanh không được thu gom và vứt đúng nơi quy định, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu vực kinh doanh đông đúc.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi tại các hàng quán vỉa hè là sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng vệ sinh công cộng, đặc biệt là thùng rác. Tại nhiều khu vực đông đúc hàng quán, người dân và du khách khó có thể tìm thấy thùng rác để vứt bỏ rác thải một cách đúng quy định. Điều này dẫn đến việc người bán và người mua thường lựa chọn "giải pháp nhanh" là vứt rác xuống vỉa hè, gây ra tình trạng ô nhiễm.

screenshot-2024-10-06-152841.png
Nhiều quán ăn thiếu thùng rác cho khách vứt rác

Các đô thị lớn tại Việt Nam, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng dường như vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Việc thiếu thốn thùng rác công cộng ở nhiều khu vực không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn khiến tình trạng xả rác bừa bãi trở nên phổ biến.

Ngoài ra, mặc dù các quy định về xử phạt hành vi xả rác bừa bãi đã được ban hành, nhưng việc thực thi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều hành vi vi phạm vẫn không bị phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì mức phạt cũng không đủ mạnh để răn đe. Các biện pháp xử phạt chưa thực sự quyết liệt và liên tục, dẫn đến việc người dân và các hàng quán vẫn "vô tư" xả rác mà không lo ngại về hậu quả. Việc xử phạt thiếu nghiêm minh không chỉ khiến cho vấn nạn xả rác tiếp tục gia tăng mà còn tạo ra tâm lý thờ ơ đối với các quy định về vệ sinh môi trường. Nhiều người bán hàng vẫn tiếp tục duy trì thói quen xả rác sau khi kết thúc buổi bán mà không hề lo lắng về việc bị xử lý.

Cùng với đó, việc xử lý rác thải cũng đòi hỏi nguồn lực và chi phí không nhỏ từ phía chính quyền địa phương. Đội ngũ công nhân vệ sinh phải làm việc nhiều hơn để dọn dẹp rác thải, đặc biệt là sau những giờ cao điểm tại các khu vực kinh doanh vỉa hè. Điều này không chỉ làm tăng chi phí vận hành mà còn làm giảm hiệu quả quản lý.

screenshot-2024-10-06-153024.png
Mặc dù các quy định về xử phạt hành vi xả rác bừa bãi đã được ban hành, nhưng việc thực thi lại gặp nhiều khó khăn

Việt Nam nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đường phố, và hàng quán vỉa hè là một phần quan trọng trong ngành du lịch. Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả, vấn nạn xả rác bừa bãi có thể làm giảm sức hút của các thành phố du lịch như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau về môi trường, sức khỏe và cả kinh tế - xã hội.

Siết chặt quản lý - “Vũ khí tối ưu” bảo vệ vỉa hè

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc xả rác bừa bãi tại các quán ăn vỉa hè, theo các chuyên gia, việc siết chặt quản lý là giải pháp cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người bán hàng, người dân và các tổ chức xã hội để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò của công tác quản lý. Các đồng chí quản lý đường phố, quản lý thị trường cần phải nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên và phải có chế tài xử phạt rõ ràng. Có những người làm tốt nhưng cũng có những người chưa tốt, thậm chí có những người làm tốt rồi nhưng họ thấy mặt bằng chung không thay đổi, họ lại trở lại như cũ. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý, sắp xếp chỗ bán hàng, cải thiện cơ sở hạ tầng thì sẽ đạt được kết quả tốt.”

PV PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

Cụ thể, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè. Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất giúp phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường và xử lý ngay từ đầu. Các biện pháp xử phạt cần được thực thi một cách nghiêm minh và liên tục, đồng thời mức phạt cũng cần được điều chỉnh để đủ sức răn đe đối với các hành vi xả rác bừa bãi.

“Cần phải siết chặt quản lý. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định pháp luật và xây dựng các giải pháp quản lý rác thải từ hàng quán vỉa hè. Trên cơ sở các quy định đó; tuyên truyền và áp dụng các giải pháp quản lý khác để bắt buộc chủ các hàng quán vỉa hè phải chịu trách nhiệm giữ vệ sinh môi trường.”

PGS. TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường

Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ trong quản lý cũng là một giải pháp hiệu quả. Các hệ thống camera giám sát có thể được lắp đặt tại những khu vực đông đúc hàng quán vỉa hè để giám sát tình trạng xả rác và hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Tiếp theo, chính quyền cần đầu tư thêm các thùng rác công cộng tại những khu vực tập trung hàng quán vỉa hè để khuyến khích người dân vứt rác đúng nơi quy định. Việc lắp đặt thùng rác ở những vị trí thuận tiện sẽ giúp giảm tình trạng rác thải bừa bãi trên đường phố, đồng thời nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

screenshot-2024-10-06-153222.png
Chính quyền cần đầu tư thêm các thùng rác công cộng tại những khu vực tập trung hàng quán vỉa hè để khuyến khích người dân vứt rác đúng nơi quy định

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Bùi Thị An, việc tạo ra các khu vực kinh doanh vỉa hè được quy hoạch rõ ràng, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải khoa học cũng là một hướng đi cần được cân nhắc. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vỉa hè diễn ra một cách bền vững.

Ngoài các biện pháp quản lý và xử phạt, các chuyên gia nhận định, việc nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh công cộng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của việc xả rác bừa bãi đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các chương trình này có thể được thực hiện qua các kênh truyền thông như báo chí, truyền hình, mạng xã hội hay trực tiếp tại các khu vực kinh doanh vỉa hè.

screenshot-2024-10-06-153314.png
Chuyên gia cho rằng, nên tập kết các xe bán hàng rong theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý

Việc xây dựng ý thức tự giác cho cả người bán hàng và người mua là điều kiện cần thiết để giải quyết triệt để vấn đề xả rác. Khi mỗi cá nhân đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn môi trường, vấn nạn này sẽ dần được khắc phục.

Như vậy, siết chặt quản lý chính là thứ "vũ khí tối ưu" để xử lý vấn nạn xả rác bừa bãi tại các hàng quán vỉa hè. Để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, người kinh doanh và cộng đồng. Chỉ khi mọi người cùng chung tay hành động và có trách nhiệm với môi trường, các khu vực vỉa hè tại các đô thị mới thực sự trở thành không gian sạch đẹp, văn minh và an toàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Rác thải từ hàng quán vỉa hè - Mối nguy hại đối với môi trường Bài 4: Cần tăng cường công tác quản lý
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.