Rác thải từ hàng quán vỉa hè – Mối nguy hại đối với môi trường (Bài 1): Nhức nhối nạn xả rác từ hàng quán vỉa hè
Có lẽ không ở đâu vỉa hè lại có nét đặc trưng như ở Việt Nam khi sự náo nhiệt, sầm uất của các hàng quán luôn song hành cùng với “biển rác” từ sáng đến tối. Bấy lâu nay, nạn xả rác từ các hàng quán vỉa hè vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.
Kinh tế vỉa hè và câu chuyện rác thải
Trong nhiều thập niên trở lại đây, hàng quán ăn vỉa hè đã trở thành đặc trưng tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Việc gia tăng của các lối sống mới, xu hướng “đu trend” đã dần biến việc ăn uống, trò chuyện bên lề đường trở thành “văn hóa vỉa hè”.
Ngon, rẻ, nhanh và tiện lợi là đặc trưng của các hàng quán ăn vỉa hè. Xu hướng ăn vỉa hè hay tụ tập bạn bè đã dần trở thành thói quen không chỉ ở những người trẻ mà ở số đông người Việt Nam. Lý giải cho việc này, nhiều người giải thích rằng: hàng quán vỉa hè có không gian thoáng, đồ ăn uống đa dạng, giá cả phải chăng… hơn nữa lại dễ dàng, thuận tiện cho bất cứ ai.
Chị Trần Minh Anh (19 tuổi), sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội chia sẻ: "Mỗi tuần, em mất từ 500.000 - 1.000.000 đồng cho việc ăn uống vỉa hè cùng với bạn bè. Các hàng quán vỉa hè thường đa dạng chủng loại, đồ ăn ngon lại rẻ, phù hợp với sinh viên nên được em ưu tiên lựa chọn. Hơn nữa thì ngồi ngoài trời, ngắm phố phường và tán gẫu sau giờ học gần như đã trở thành thói quen khó bỏ của nhóm."
Anh Nguyễn Hồng Văn sống tại đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Nếu một ngày Hà Nội vắng bóng các hàng quán vỉa hè thì chắc hẳn người dân sẽ cảm thấy rất thiếu vắng vì họ đã quen với sự tấp nập từ hàng quán, tiếng rao hàng rong khắp các ngóc ngách. Hàng ăn vỉa hè lại rất thuận tiện cho người dân khi chỉ cần dừng xe hoặc chạy ra đầu ngõ là có thể mua được thức ăn. Kể cả khi vỉa hè còn rác gây mất mỹ quan đô thị hay vấn đề an toàn thực phẩm không được đảm bảo thì đây vẫn là nét riêng, nét hấp dẫn đối với bất kỳ du khách nào khi đến với Việt Nam."
Thích nghi với thời cuộc, hàng quán vỉa hè “mọc lên như nấm sau mưa” khi hầu hết các mặt đường đều được tận dụng để kinh doanh. Kinh doanh vỉa hè còn trở thành xu hướng thịnh hành, sự lựa chọn của nhiều người, thậm chí là “cha truyền, con nối”.
Theo anh Hoàng Văn Bảo, sinh sống tại phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm cho hay, bố tôi đã bán hàng nước và báo ở vỉa hè này từ những năm 80 và sau này đến tôi duy trì. Tôi có mở thêm hàng xôi sáng và bán nước mía để tăng thêm thu nhập.
“Mình phải bắt “trend” theo xu hướng hiện nay thì mới có thể “sống khỏe” được. Người tiêu dùng thích kiểu gì, thức uống, đồ ăn như nào thì mình phải nhanh chóng thích nghi, như vậy là có lợi cho cả đôi bên. Đa số người dân hiện nay phải dành nhiều thời gian cho công việc cùng với việc “ngại” nấu ăn nên các hàng quán vỉa hè có cơ hội được phô bày thế mạnh “nhanh, ngon, bổ, rẻ.”- Anh Bảo nhấn mạnh.
Có lẽ không ở đâu vỉa hè lại có nét đặc trưng như ở Hà Nội. Vỉa hè vừa là không gian sinh kế đa dạng, linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt rộng mở, không gian xã hội đặc thù, không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động.
Việc sử dụng một phần vỉa hè vốn là không gian công cộng cho hoạt động kinh doanh không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà cũng là nét văn hóa tại nhiều quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Dù việc sử dụng vỉa hè cho kinh doanh hay gọi chính xác là “kinh tế vỉa hè” là trái với việc sử dụng không gian công cộng vào hoạt động kinh doanh tập thể hay hộ cá thể, nhưng nó đã tồn tại cùng với đô thị tập trung dân cư cơ học như Hà Nội. Qua thời gian, những hoạt động kinh doanh này đã trở thành một nét thường thấy, quen thuộc trên phố phường Thủ đô.
Có thể dễ dàng quan sát thấy sự tiện lợi của hàng quán vỉa hè, khi chỉ cần một bước ra đường, người dân dễ dàng chọn mua được mọi mặt hàng thiết yếu mà không cần ra chợ hay siêu thị. Vì vậy, sự tồn tại của hàng quán vỉa hè" ở đây có sự kết hợp hai chiều của “kinh tế vỉa hè” và phát triển du lịch.
Chính vì vậy, năm 2021, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính và UBND quận Hoàn Kiếm, cho sử dụng thí điểm hè phố để kinh doanh.
Theo đó, hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh gồm Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Phụng Hiểu, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến gần Cửa Đông).
Sự tồn tại của hàng quán vỉa hè không chỉ là câu chuyện kinh tế mà nó còn là câu chuyện văn hóa, câu chuyện ký ức. Hay nói cách khác, các hàng quán vỉa hè sẽ gần như không bao giờ mất đi mà còn tồn tại và duy trì theo nếp sống văn hóa của người Việt.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với hàng quán vỉa hè là khi bán chạy, doanh thu lớn thì lượng rác “khổng lồ” được được thải ra sẽ đi về đâu. Đây không phải là vấn đề “một sớm, một chiều” mà chắc chắn là còn là vấn đề nan giải, khó giải quyết.
Trên thực tế hiện nay, các hàng quán vỉa hè cũng đã bố trí sọt đựng rác nhưng số lượng rác khổng lồ đã “vô tình” phủ trắng phố. Khi vào các hàng quán này, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh thức ăn cặn thừa chủ gặp đâu đổ đấy, khách hàng dùng xong tiện đâu vứt đấy. Giấy ăn, đũa dùng một lần, thức ăn thừa đều được chủ và khách hàng xả vô tội vạ xuống đường dù sọt rác ngay bên cạnh.
Điều đáng nói ở đây nữa đó là nước thải. Bởi là quán ăn vỉa hè nên lượng nước để dùng cũng vô cùng “tiết kiệm”. Cửa hàng nào cũng trang bị thùng phi lớn để chứa nước, tuy nhiên, theo quan sát, những chiếc thùng này rất hiếm khi được cọ sạch để dùng. Nhân viên của quán đổ tràn nước thải xuống cả lòng đường gây mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy.
Với quan điểm “khách hàng là thượng đế” nên việc nhắc nhở bỏ rác đúng nơi quy định tại các hàng quán ăn vỉa hè giống như “muối bỏ bể” mặc dù đã áp dụng đa dạng các hình thức: dán giấy cảnh báo lên tường, luôn miệng nhắc nhở, dọn dẹp, quét tước…
Khi được nhắc nhở các hàng quán ăn về việc hạn chế xả rác và phân loại rác thải, một số chủ cơ sở còn tỏ rõ thái độ khó chịu khi cho rằng, số lượng rác thải mà họ thải ra môi trường là không đáng kể và những loại rác thải này hoàn toàn có thể phân hủy được, an toàn, thân thiện với môi trường vì chỉ có giấy ăn với thức ăn thừa.
Thân thiện đâu chưa thấy, chỉ thấy đêm muộn trước cửa các cửa hàng là bịch lớn, bịch bé rác chất đống, thậm chí rỉ nước xuống lòng đường. Nếu như không được thu dọn ngay thì sáng hôm sau, tất cả đống rác lớn nhỏ ấy sẽ bốc mùi hôi thối và những người chủ cửa hàng lại có lý do để chất vấn những nhân viên vệ sinh môi trường. Rõ ràng trách nhiệm đầu tiên thuộc về ý thức của họ nhưng ngay lập tức, họ sẽ phủi tay và đổ dồn về phía quản lý môi trường đô thị.
Ngay trong trận mưa bão số 3 lịch sử, ghi nhận của phóng viên tại nhiều con phố, rác lớn, rác nhỏ từ các hàng quán bị thổi bay khắp nơi. Mưa lớn gây ngập lụt nhiều tuyến phố tại Hà Nội đã khiến các bịch rác hàng quán ăn nổi “lềnh bềnh” trên mặt nước.
Rác từ hàng quán ăn vỉa hè không chỉ có giấy ăn mà bao gồm đa dạng các loại rác: bao bì thực phẩm, chai lọ, túi nilon, chất thải hữu cơ… Nguồn rác này đến từ hóa trình chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bao bì đóng gói và dụng cụ ăn uống dùng một lần.
Trong đó phải kể thủ phạm chính đến từ túi nilon và dụng cụ ăn uống dùng 1 lần. Các sản phẩm này đang được các hàng quán sử dụng ngày càng nhiều vì rẻ và tiện lợi. Hầu như các cửa hàng, quán xá đều phát miễn phí túi ni-lông và đồ nhựa dùng 1 lần hoặc kèm theo hàng hóa mua sắm. Chỉ có số ít tính thêm phí nếu sử dụng các sản phẩm này khi mua mang đi.
Phần lớn khách hàng hiện vẫn chưa có thói quen mang sẵn túi, hộp theo người để đựng khi đi mua hàng, nhất là khi mua nhanh tại các hàng quán vỉa hè với muôn vàn các lý do: lỉnh kỉnh, không có chỗ để, quên mang theo túi riêng... Chủ các cửa hàng thì không thể không phát miễn phí kèm theo để giữ chân khách hàng do chưa áp dụng đồng bộ việc cấm phát miễn phí túi ni-lông trên cả nước.
Theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, cho thấy tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, trong đó một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Con số này càng khẳng định chất thải từ các hàng quán vỉa hè là mối nguy lớn đối với môi trường.
Hàng quán vỉa hè - "Nhộn nhịp" những rác
Các hoạt động kinh doanh vỉa hè có thể coi là một phần sinh kế của người dân, do vậy, hàng quán vỉa hè cứ “đắt khách như tôm tươi” thì kinh tế của người dân cũng được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều quán ăn, hàng rong cố tình xả giấy, rác bừa bãi xuống vỉa hè gây “mất điểm”, khiến nhiều tuyến phố trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan. Hơn hết, gánh nặng còn lại lại thuộc về cơ quan chức năng, nhất là các cơ sở vệ sinh môi trường.
Khảo sát thực tế cho thấy, các ngõ, ngách đường phố, nhất là tại cổng trường, cổng bệnh viện, bến xe, xung quanh các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… đâu đâu cũng thấy hàng quán vỉa hè. Đặc biệt là vào thời điểm cuối tuần, các hàng quán “đông như trẩy hội”.
Các hàng quán “nối đuôi nhau” hoạt động từ sáng đến đêm. Có quán chỉ hoạt động vào buổi sáng, từ 6h đến 9h, phục vụ hàng quà sáng; có hàng lại chuyên phục vụ ăn tối, ăn đêm (hoạt động từ 18h đến 24h), hay quán ăn trưa phục vụ công chức, người lao động… Bất kể giờ nào bước chân xuống vỉa hè, chúng ta đều dễ dàng va phải các hàng quán đủ loại: xôi, bánh mì, xúc xích, trà đá, ốc nóng…
Ghi nhận của phóng viên tại phố Dương Khuê (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vào hồi 16h ngày 28/9 cho thấy: Cả đoạn vỉa hè dài hàng trăm mét với đa dạng các loại quầy hàng di động như hàng nước, hàng bánh mì... các chủ cửa hàng cũng tận dụng hết công suất vỉa hè với hàng loạt bàn ghế nhựa kê ra. Các hàng quán tại đây khá đắt khách, người này vừa ăn xong đứng lên đã có người khác đứng chờ chen chân ngồi vào.
Các hàng quán vỉa hè xung quanh khu vực này, đặc biệt là các quán ăn nhanh như bánh mì, xiên nướng, hay trà sữa, cũng là nguồn gốc lớn tạo ra lượng rác thải khổng lồ. Khách hàng sau khi mua đồ ăn uống thường tiện tay vứt luôn cốc nhựa, hộp xốp ngay tại vỉa hè mà không để ý đến việc tìm thùng rác. Dọc theo con phố, không khó để nhìn thấy những đống rác nhỏ hình thành từ những thứ bỏ đi này.
Không chỉ rác thải nhựa, thực phẩm thừa từ các quán hàng cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Các quán bán đồ ăn như bánh cuốn, phở, bún, cơm hộp thường xả nước thải và thức ăn thừa trực tiếp xuống cống thoát nước. Tại thời điểm ghi nhận, mặt đường phố Dương Khuê vẫn còn nguyên chất thải ở miệng cống với các vết loang lổ, đóng váng của dầu mỡ và đồ ăn thừa đã ôi thiu với màu vẩn đục, trắng ngà. Kèm theo đó là các vật dụng ăn uống dùng 1 lần, giấy rác ngổn ngang.
Bà Nguyễn Thị Hải, người dân sống tại phố Dương Khuê chia sẻ: Khu vực này là nơi tập trung kinh doanh nhà hàng, quán ăn… được ví như "thiên đường ăn uống" nên tập trung dân cư đông đúc, chính vì vậy phát sinh lượng rác rất lớn. Rác từ hàng quán với đa dạng các loại: vỏ chai, vỏ bánh, thức ăn thừa, giấy rác... được vứt tràn lan trên mặt đường.
“Rác thải chất đống ngoài đường, nước rỉ chảy ra bám xuống mặt đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông cũng như cuộc sống của dân cư. Điều đáng nói, trên con đường này, nhất là ở đầu phố, ngổn ngang túi lớn, túi nhỏ chứa rác trên vỉa hè và dưới lòng đường, trông rất chướng mắt và cản trở lối đi. Buổi tối khu vực này người qua lại rất đông, ảnh hưởng tới bộ mặt thành phố.”- Bà Nguyễn Thị Hải nhấn mạnh.
Còn dọc con phố Nguyễn Quốc Trị, ghi nhận vào hồi 12h ngày 28/9, phóng viên nhận thấy, các cửa hàng bố trí tràn lan bàn ghế ra vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi. Khu vực này cũng tập trung nhiều công ty, trường học nên lượng khách đến ăn tại các hàng quán rất đông, xong toàn bộ giấy ăn, xương gà, rác thải khác đều được vứt xuống đất, thậm chí tràn cả xuống đường. Không những xả rác ra vỉa hè, lòng đường, lượng dầu mỡ, mắm, muối… rơi vãi ra vỉa hè trong quá trình khách ăn uống đã làm cho cả đoạn vỉa hè luôn trong tình trạng nhớp nhúa, trơn trượt.
Anh Nguyễn Hữu Dương – Người dân sống tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ: "Hàng quán dọc các tòa nhà nơi đây quá nhiều khiến mỹ quan trở nên nhếch nhác và hơn nữa là ô nhiễm môi trường rất lớn. Những ngày nắng sẽ thấy đỡ hơn nhưng những ngày mưa ẩm thì mùi hôi rất khó chịu, thậm chí là khó thở vì mùi hôi từ các hàng quán và nước rỉ rác."
Thực trạng rác từ hàng quán quá nhiều và chưa được xử lý kịp thời cũng đã khiến căn bệnh hen suyễn của anh Dương tái đi tái lại nhiều lần. Con trai 4 tuổi của anh Dương cũng không dám rời khẩu trang mỗi khi ra khỏi tòa nhà. Anh Dương cảm thấy lo lắng khi tình trạng này tiếp tục kéo dài mà chưa có biện pháp ngăn chặn.
Vào những buổi tối cuối tuần, khu vực phố đi bộ Hồ Gươm luôn trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo người dân và du khách. Tuy nhiên, ẩn sau không gian vui vẻ ấy là một vấn đề nan giải đang ngày càng trở nên trầm trọng: tình trạng xả rác bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường, trong đó, các gánh hàng rong và quầy bán thức ăn vặt là một trong những nguồn phát sinh rác lớn ở khu vực này.
Ghi nhận của phóng viên vào khoảng 20h30 ngày 29/9, dù có những thùng rác được bố trí dọc tuyến phố, nhưng càng về đêm muộn, lượng rác thải vẫn tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt là khu vực vỉa hè, nơi tụ tập nhiều gánh hàng bán đồ ăn nhanh, hoa quả.... Những người bán hàng thường không chú trọng đến việc thu dọn sạch sẽ sau khi bán, đã để lại những đống rác từ những gói đũa, hộp đựng, giấy ăn, vỏ thực phẩm...Vì vậy, các thùng rác dù đã được bố trí, nhưng bị đặt không đúng vị trí thuận lợi, khiến nhiều người không muốn đi xa để bỏ rác.
Khi đó, vỉa hè nhanh chóng bị bao phủ bởi những túi ni lông, hộp nhựa, ly cốc bỏ đi, cùng vô số loại rác thải khác. Những tàn dư của các bữa ăn vặt từ các gánh hàng rong như ngô nướng, khoai lang, bánh tráng trộn, đến những lon nước ngọt, vỏ kem, giấy gói bánh kẹo…. vương vãi khắp nơi.
Là một người thường xuyên đưa gia đình ghé khu vực phố đi bộ dạo chơi mỗi dịp cuối tuần, anh Hoàng Minh Tuấn (35 tuổi) - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, anh cảm thấy rất đáng quan ngại trước tình trạng xả rác từ các quán ăn vỉa hè ở khu vực này.
“Mình hay cùng gia đình ra đây vào mỗi cuối tuần, không chỉ để đi dạo mà còn để thưởng thức các món ăn vặt. Tuy nhiên, mỗi lần đi dạo xung quanh, mình thấy rất nhiều rác thải từ các quán vỉa hè, nhất là vào buổi tối. Các túi ni lông, vỏ đồ ăn nhanh và cốc nhựa vứt bừa bãi dưới chân ghế đá, quanh các gánh hàng rong. Đặc biệt là khi đông người, các hàng quán có vẻ không còn đủ sức để thu dọn sạch sẽ. Mình nghĩ, dù có đông khách nhưng các quán vỉa hè cũng nên có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh, vì đây là nơi công cộng, lại là điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.” - anh Tuấn chia sẻ.
Còn tại khu chợ Nhà Xanh, nằm ở trung tâm quận Cầu Giấy, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với sự tấp nập, nhộn nhịp và đông đúc. Mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối khuya, hàng chục quầy hàng và nhiều lượt khách qua lại khiến khu vực chợ Nhà Xanh luôn trong trạng thái đông đúc. Các hàng quán vỉa hè, từ hàng ăn nhanh, trà sữa, bánh mì, đến các quán nước chè, cà phê, đều tận dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Tuy nhiên, đi đôi với việc kinh doanh phát đạt là lượng rác thải ngày càng gia tăng. Vỏ hộp xốp, cốc nhựa, túi ni lông, và giấy gói thực phẩm… bị vứt bừa bãi khắp nơi, khiến cảnh tượng tại chợ trở nên nhếch nhác và bẩn thỉu.
Những con đường dẫn vào chợ, thay vì chỉ là lối đi thông thường, đã biến thành những "điểm tụ tập" của rác thải. Những chiếc cốc nhựa uống dở, các hộp cơm thừa bị bỏ lại ngay bên cạnh các quầy hàng. Rác thải không chỉ bám đầy trên lề đường mà còn bị vứt ngổn ngang dưới chân các quầy hàng, khiến cho không gian chợ vốn đã đông đúc nay càng thêm chật chội.
Chị Phùng Thị Mai, chủ một quán ăn nhỏ tại khu vực chợ Nhà Xanh chia sẻ: “Tôi cũng kinh doanh hàng ăn tại đây và luôn cố gắng giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho khu vực của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức như vậy. Nhiều hàng quán sau khi bán xong không chịu dọn dẹp mà để lại rác bừa bãi, khiến cả khu vực bị ô nhiễm.
Thêm vào đó, một số khách hàng cũng không có ý thức, họ ăn uống xong là vứt rác ngay tại chỗ, không chịu bỏ vào thùng rác. Tôi nghĩ rằng các quán hàng và khách hàng đều cần phải có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung.”
Ngoài các khu vực trên thì tình trạng xả rác từ các hàng quán vỉa hè cũng diễn ra phổ biến tại nhiều khu vực khác như: Bến xe, bệnh viện, cổng trường học, chợ tạm… Nhiều hàng quán vẫn chưa có ý thức, trách nhiệm đối với việc vệ sinh môi trường hoặc làm một cách “chống đối”. Khi có lực lượng tự quản thì các hộ kinh doanh đúng quy định, nhưng khi lực lượng rút quân, các hộ lại bày hàng hóa ra vỉa hè bán. Do vậy, lượng rác “khổng lồ” từ các hàng quán vỉa hè không phải là điều khó lý giải mà có phần “nghiễm nhiên là như vậy”.
Bất cứ khi nào một quán ăn, cửa hàng loại bỏ thực phẩm, tất cả các yếu tố đầu vào được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, chuẩn bị và bảo quản cũng sẽ bị lãng phí. Chất thải thực phẩm chiếm ít nhất 6% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Hơn nữa, nếu tất cả thực phẩm này được đưa vào các bãi chôn lấp, nó sẽ thải ra khí mêtan, chất có khả năng làm nóng lên gấp hơn 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên.
Cơ chế xử lý rác thải từ hàng quán vỉa hè còn "giơ cao đánh khẽ"
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, lượng rác thải đô thị đã tăng từ 1,4 triệu tấn vào năm 1995 lên gần 20 triệu tấn vào năm 2020. Trong đó, một phần lớn rác thải là từ các nguồn phát sinh như hàng quán và dịch vụ ăn uống.
Lượng rác thải lớn đến từ các hàng quán vỉa hè đã gây áp lực lớn đối với môi trường. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, khoảng 50-60% rác thải sinh hoạt trong các thành phố lớn là từ các hàng quán và dịch vụ ăn uống. Các loại rác thải này thường bao gồm chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng thực phẩm và các loại thực phẩm thừa.
Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại tại nguồn sẽ cho rác thải một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.
Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường (BVMT) thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn nói chung và rác thải từ hàng quán vỉa hè nói riêng, Luật BVMT năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Luật BVMT 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTSH bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Luật BVMT năm 2020 cũng đã quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh.
Như vậy, đối với các hàng quán vỉa hè hiện nay, chủ cửa hàng phải có trách nhiệm phân loại và xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, quy định đã rõ ràng và có hướng dẫn cụ thể nhưng việc phân loại các loại rác hiện nay vẫn còn là “bài toán khó”. Đa số hàng quán vỉa hè đều gộp chung các loại rác thải rắn sinh hoạt vào chung một túi đựng, thậm chí bao gồm cả chất thải lỏng. Nhiều hàng quán còn thấy ngạc nhiên khi “lần đầu” nghe đến việc phải phân loại rác tại nguồn hoặc nếu đã từng nghe thấy hoặc biết đến thì cũng mơ hồ hoặc lãng quên.
Theo Nghiên cứu Phân loại rác tại nguồn theo Luật bảo vệ môi trường 2020 của TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các chương trình phân loại CTRSH tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để duy trì lâu dài.
Nghiên cứu cũng chỉ ra thực trạng tại nhiều địa phương, từ năm 2006, Hà Nội đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ năm 2006. Dự án được triển khai thí điểm trên tại 04 phường nội thành (Phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ). Trong 3 năm, từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình và các cửa hàng, quán xá vỉa hè được tập huấn cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì.
Nguyên nhân là chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường, kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" và thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Ngoài một số cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, siêu thị, các chuỗi cà phê lớn… quan tâm triển khai thực hiện thì hầu hết người dân trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thực sự chú ý đến việc phân loại rác tại nguồn.
Hầu hết tại các khu dân cư trên địa bàn Thành phố, các loại rác thải từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) được tập kết vào các thùng rác cỡ lớn hoặc các vật dụng như thùng xốp, bao bì… Người dân đã quen với việc để chung các loại rác, nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ.
Hay ở tại Đồng Nai, hiện mỗi ngày TP. Biên Hòa phát sinh từ 500 - 700 tấn CTRSH, đa phần trong số này được thu gom và đưa đi chôn lấp. Tình trạng này đang gây quá tải cho công tác thu gom và xử lý rác. Dù đã nỗ lực, nhưng hoạt động thu gom, xử lý, phân loại rác ở TP. Biên Hòa chưa đạt yêu cầu. Dù là đô thị loại I nhưng tại TP. Biên Hòa, rác sinh hoạt vẫn bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi. Tại nhiều “bãi rác” tự phát ở TP. Biên Hòa có đủ loại rác, từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy (như: nệm, ghế salon cũ...).
Thực tế ở TP. Biên Hòa cũng là tình trạng chung của rất nhiều hộ gia đình Việt Nam hay tại các hàng quán vỉa hè. Đó là nhiều người ngại phân loại rác tại nguồn bởi việc bỏ chung tất cả rác vào một bịch thường nhanh gọn, tiện lợi hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào những thùng rác, bao bì riêng. Mấu chốt vẫn là chưa hình thành được thói quen phân loại, đây chính là câu trả lời cho việc vì sao phân loại rác thải tại nguồn… chỉ thực hiện được một thời gian, dù đã được triển khai cả chục năm qua và triển khai rất nhiều lần.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, các hàng quán đã có ý thức hơn rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường nhưng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. Do vậy, muốn giải quyết vấn đề rác thải hàng quán vỉa hè hiện nay, cần nâng cao hơn nữa ý thức của người. Nhưng làm thế nào để người dân dễ dàng thống nhất thực hiện lại là trách nhiệm của chính quyền.
Về vấn đề này, PGS. TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường cho biết, nước ta chưa có quy định cụ thể về xử lý rác từ các hàng quán vỉa hè. Tuy vậy, có thể nói tất cả các quy định về thu gom, xử lý rác có thể được áp dụng để quản lý rác từ các hàng quán vỉa hè. Đặc biệt, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Để “dẹp bỏ” hoàn toàn các trường hợp hàng quán bán đêm xả rác không phải là công việc dễ dàng. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, người dân và đơn vị thu gom, vận chuyển rác.
Đã đến lúc chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho chủ quán và người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường tại các quán ăn trên toàn địa bàn.
Cùng với đó, các quận, phường cần hiện thực hóa chế tài xử phạt, lần đầu có thể cảnh cáo, phạt hành chính; sau đó cấm không được hành nghề nếu không chấp hành đúng quy định. Việc làm này phải thực sự cương quyết và liên tục. Đồng thời, các đơn vị thu gom cũng cần tham gia phối hợp thường xuyên, liên tục với chính quyền trong công tác này.
Tham khảo ý kiến từ rất nhiều các hàng quán vỉa hè, họ đều có ý thức dọn dẹp, phân loại rác, nộp phí vệ sinh nhưng luôn đòi hỏi phải kèm theo quy định rõ ràng. Nếu chính quyền có cách tổ chức tốt, người dân sẽ ủng hộ. Đây là yếu tố tiên quyết cho việc triển khai các chiến dịch dọn sạch rác vỉa hè, đảm bảo đúng nghĩa văn hóa vỉa hè, văn minh đô thị.