Emagazines

Rác thải từ hàng quán vỉa hè – Mối nguy hại đối với môi trường (Bài 3): Gánh nặng đối với công nhân vệ sinh môi trường

Thanh Thảo - Hoàng Thơ 10:12 10/10/2024

Rác thải từ các hàng quán vỉa hè tăng lên từng ngày, từng giờ khiến công việc của công nhân vệ sinh vốn đã khó nhọc, giờ càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Dù đã làm việc không ngừng nghỉ nhưng những người công nhân này cũng không dọn xuể được số lượng rác khổng lồ kèm theo vô vàn các rủi ro.

rac-thai-1.jpg

Ghi nhận thực tế về vấn đề trên, Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã cuộc trò chuyện, trao đổi trực tiếp với bà Nguyễn Thị Dung - nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô Thị Vĩnh Yên ngay trên con đường mà bà phụ trách – đường Xuân Thủy. Tay xẻng, tay chổi hoạt động liên tục, người phụ nữ 52 tuổi đã có 14 năm gắn bó với công việc vệ sinh – công việc mà nhiều người vẫn nói là nguy hiểm và đầy nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, phải là những người trong nghề lâu năm như bà Dung mới có thể hiểu hết được những khó khăn của nghề cũng như “bắt được bệnh” mà môi trường đang phải gánh chịu hàng ngày từ các hàng quán vỉa hè.

PV: Thưa bà, bà có thể mô tả lượng rác thải từ hàng quán vỉa hè mà bà thường xuyên thu gom? Có sự biến động về khối lượng rác trong các khoảng thời gian khác nhau không?

Bà Nguyễn Thị Dung: Tôi được phân công nhiệm vụ quét dọn, thu gom rác dọc tuyến đường Xuân Thủy. Tuyến đường này đông đúc, tập trung nhiều trường học, quán ăn nên lượng rác rất lớn. Tuy nhiên, số lượng rác từ các hộ gia đình không thể nhiều so với hàng quán ăn vỉa hè vì chỉ cần quán này dừng hoạt động là quán khác sẽ mọc lên, hơn nữa là còn gia tăng thêm các quán mới. Do đó, lượng rác từ các hàng quán vỉa hè không ngừng tăng lên. Theo tôi ước chừng, số lượng rác thải từ các hàng quán vỉa hè chiếm tới 40% tổng lượng rác thải sinh hoạt chúng tôi thu hàng ngày.

Hơn nữa, lượng rác từ các hàng quán còn có sự khác biệt rất lớn vào từng thời điểm khác nhau trong ngày. Khung giờ từ 6-8h sáng, 11-13h chiều và từ 18h chiều đổ tới đêm là thời gian cao điểm của rác thải vỉa hè khi học sinh, sinh viên, người lao động đổ xô đến các hàng quán để ăn uống. Đặc biệt là sau 18h đến 1h sáng, lượng rác tăng lên có thể nói là “chóng mặt”. Việc này đã tạo áp lực lớn cho chúng tôi vì công việc ca tối sẽ gấp 3-4 lần ca ngày.

rac-via-he.jpg
Rác thải từ các hàng quán vỉa hè tăng lên từng ngày, từng giờ khiến công việc của công nhân vệ sinh vốn đã khó nhọc, giờ càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết

Đó là ngày thường, còn vào thời điểm cuối năm thì công việc còn nhân lên gấp bội khi việc ăn uống liên hoan, tất niên, gặp nhau tại các hàng quán vỉa hè diễn ra liên tục. Thời điểm cận tết, tôi thường phải tăng ca làm tới 21 đến 22h đêm.

Riêng đêm giao thừa, ngoài thu gom rác thải tại các tuyến đường phụ trách, tôi và đồng nghiệp còn phải phụ dọn dẹp vệ sinh tại các chợ hoa, khu vực đốt pháo hoa. Có năm, tôi về nhà là đã hơn 3h sáng.

PV: Thưa bà, rác từ hàng quán vỉa hè bao gồm những loại rác gì?

Bà Nguyễn Thị Dung: Rác thải của các hàng quán vỉa hè rất đa dạng từ giấy ăn, thức ăn thừa, bã mía, vỏ chai, lọ… Trong đó, chủ yếu là túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Không những xả rác ra vỉa hè, lòng đường, lượng dầu mỡ, mắm, muối… rơi vãi ra vỉa hè trong quá trình khách ăn uống đã làm cho cả khu vực luôn trong tình trạng nhếch nhác, trơn trượt.

Lấy ngay ví dụ tại hàng ốc gần đây (trên đường Xuân Thủy) thì số lượng vỏ ốc, giấy rác, đũa một lần… mỗi buổi tối là rất lớn. Có nhiều hàng ốc, tôi phải thu rác lúc 4h chiều, đến tầm 8h tối lại thu lần 2 và một lượt rác cuối cùng vào 4h sáng ngày hôm sau. Tức là một ngày, trung bình phải 3 lượt mới có thể xử lý hết được số lượng rác từ một hàng quán.

Dọc con đường này có hàng trăm hàng quán ăn vỉa hè, số lượng rác từ các hàng quán ăn lớn như vậy thì chắc không cần nói, các bạn đều hiểu những gì mà chúng tôi phải trải qua hàng ngày.

ve-sinh.jpg
Lượng rác cao quá đầu người mà nhân viên vệ sinh môi trường phải xử lý hàng ngày

PV: Bà có gặp phải những khó khăn gì khi thu gom rác từ hàng quán vỉa hè không? Bà có thường xuyên gặp phải rác thải nguy hại không?

Bà Nguyễn Thị Dung: Cá nhân tôi vừa phải dọn dẹp nhưng cũng là người chủ động bố trí các thùng rác nhỏ tại nhiều khu vực xa các thùng rác tập trung. Nếu như không chủ động bố trí thì các hàng quán sẵn sàng bỏ rác xuống lòng đường. Thậm chí, túi rác lớn, nhỏ còn không được buộc cẩn thận khiến rác thải kèm theo nước thải rơi rớt xuống lòng đường làm cho dọc cả con phố dù mới dọn dẹp thì chỉ vài tiếng sau là lại “đâu vào đấy”, nhơ nhớp và bẩn thỉu.

Rác thải hàng quán dù không có nhiều rác thải nguy hại nhưng lại chứa rất nhiều mầm bệnh vì là thực phẩm thừa, vụn bã thức ăn hay đồ ăn hư hỏng nên chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc. Nhiều khi chúng tôi còn phải dọn mảnh vỡ từ ly, cốc, chén, các vật dụng đựng thức ăn được thải ra từ các hàng quán. Tôi và các đồng nghiệp thường xuyên gặp phải tình trạng này và nhiều lần sơ ý thì ngay lập tức bị đứt tay nhưng cũng ngậm ngùi chịu đựng vì cũng chẳng biết hàng quán nào mà nhắc. Điều này tạo ra cản trở rất lớn cho đội vệ sinh môi trường.

rac-5.jpg
Rác thải từ các hàng quán được vứt la liệt trên vỉa hè kèm theo nước thải gây nhơ nhớp cả khu phố

Chưa kể những ngày nắng thì chúng tôi phải chịu mùi hôi thối từ các cửa cống bốc lên hay từ chính các bịch rác mà hàng quán vỉa hè thải ra trong ngày. Những ngày mưa thì công việc trở nên nặng nhọc hơn.

Ngay như trong trận bão số 3 vừa rồi, mưa ngập nhiều ngõ ngách đã làm rác các hàng quán chưa kịp thu bị trôi nổi khắp nơi, giấy ăn phân hủy nổi trắng cả đường. Chúng tôi phải dùng đồ chuyên dụng mới có thể dọn sạch vì giấy ướt, thức ăn bết xuống mặt đường, rất khó làm.

Sau bão, chúng tôi vừa phải căng mình dọn rác từ các hàng quán quay trở lại hoạt động, vừa dọn dẹp cây cối đổ gãy. Chúng tôi hay nói đùa với nhau là “một người làm việc bằng ba” và hoạt động hết công suất thì mới có thể hoàn thành công việc.

rac-via-he-1.jpg
Nhiều đầu đường, đầu ngõ, chân cột điện… biến thành bãi rác bất đắc dĩ

PV: Theo quan sát của bà, dù đã có quy định xử phạt về hành vi xả rác bừa bãi nhưng việc thực hiện của chủ các hàng quán và người dân như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Dung: Các hàng quán giờ cũng đã bố trí sọt rác rồi nhưng chẳng thấm vào đâu vì số lượng rác quá lớn. Hơn nữa, theo quan sát của tôi thì việc họ dọn dẹp rác thải chỉ là theo thói quen, phớt lờ các quy định. Thậm chí, các thùng rác được bố trí ở chỗ này, họ lại sẵn sàng tập kết rác ở các điểm khác: đầu đường, đầu ngõ, chân cột điện… miễn là tiện đâu thì để ở đó.

Việc xử phạt các hàng quán vi phạm hay người xả rác không đúng nơi quy định, tôi thấy rất “hiếm gặp” nên mọi người lại càng chủ quan và nới lỏng việc phải giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hay như việc, các hàng quán vỉa hè thường giữ gìn vệ sinh theo cách đối phó, khi có lực lượng chức năng đến thì họ nhanh chóng thu dọn, dọn dẹp nhưng sau đó lại tiếp diễn.

Rác thải cũng vì vứt bừa bãi như vậy mà bốc mùi hôi cực kỳ khó chịu hoặc số khác thì chui xuống các cống, rãnh. Rác lớn bị chặn lại trên cửa cống khiến nhiều cống cứ “đến hẹn lại lên”, cứ mưa là ngập vì không thoát được nước.

PV: Thời gian gần đây, TP Hà Nội đang đẩy mạnh công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Theo quan sát của bà, các hàng quán vỉa hè đã thực hiện quy định này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Dung: Hiện nay, dù đã được phổ biến phân loại rác thải đến các hàng quán nhưng việc thực hiện gần như là chưa có. Các hàng quán vẫn đổ rác chung vào một túi đựng và hiếm để tìm ra hàng quán nào phân loại rác thải theo đúng quy định.

phan-loai-rac.jpg
Thời gian gần đây, TP Hà Nội đang đẩy mạnh công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Mặc dù đã nghe thông tin từ trên các phương tiện truyền thông và được chính quyền nhắc nhở là người dân, các hàng quán ăn phải phân loại tại nguồn, nhưng theo tôi, điều này để làm được là rất khó.

Như trước đây, tất cả các loại rác như trước đây chỉ cần cho vào một túi nilon là xong thì giờ phải phân ra nhiều loại: rác thải tái chế, rác thải không tái chế, rác thải cồng kềnh, rác thải nhựa… khiến những người làm nghề vệ sinh lâu năm như tôi còn gặp bối rối, không biết phân loại kiểu gì chứ chưa nói đến việc các chủ hàng quán tự phân loại.

Hơn nữa, việc phân loại còn đòi hỏi phải có nhiều túi đựng hơn. Nếu như một nhà chỉ có 1 túi rác thì giờ tăng lên 4,5 túi rác mà đa số là túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường. Điều này cũng gây khó cho lực lượng dọn vệ sinh như chúng tôi.

Thậm chí, nhiều hàng quán dọc con phố này còn “lần đầu” nghe đến việc phải phân loại rác tại nguồn hoặc có nghe rồi thì cũng “ngó lơ” vì không ai giám sát. Còn hàng quán nào có ý thức hơn thì chủ động phân làm 2 loại là rác có thể tái chế đem bán sắt vụn và các rác còn lại, nhưng cũng lác đác, đếm trên đầu ngón tay.

PV: Theo bà, các hàng quán và người dân cần làm gì để giảm thiểu rác vỉa hè?

Bà Nguyễn Thị Dung: Tôi nghĩ điều cốt yếu nhất cần thay đổi đó là ý thức của người dân. Mỗi người chủ cửa hàng, mỗi một vị khách chỉ cần giảm một túi ni lông hay một thứ đồ dùng một lần và vứt rác đúng nơi quy định cũng đã là một hành động rất lớn và rất ý nghĩa với nhân viên vệ sinh chúng tôi rồi.

Hiện nay, các báo đài và thông tin đã đứa rất nhiều về vấn đề ủ phân sinh học, biến chất thải thành phân bón hữu cơ. Các thực phẩm thừa từ các hàng quán vỉa hè hoàn toàn có thể tận dụng và làm được điều này vì có nhiều đồ dễ phân hủy: rau thừa, thức ăn thừa, củ quả hỏng… hoặc đơn giản hơn là tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

cach-u-phan-huu-co-tai-nha-800x531.jpg
Nhiều công nhân vệ sinh môi trường đã tận dụng nguồn thức ăn thừa từ các hàng quán để ủ làm phân bón

Tôi thấy hiệu quả vì chính tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đã tận dụng nguồn thực phẩm thừa từ các hàng quán vỉa hè này để nuôi lợn, nuôi gà hay ủ phân bón cho rau xanh. Cũng nhờ đó mà nhiều hàng quán đã chủ động hơn trong việc phân loại những rác thải có thể tái sử dụng được cho chúng tôi. Dù ít nhưng cũng là dấu hiệu đáng mừng, góp phần bảo vệ môi trường.

Còn về vấn đề xử phạt, tôi mong lực lượng chức năng cần kiểm tra sát sao và nghiêm ngặt hơn tại nhiều khu vực để nêu gương và củng cố tinh thần trách nhiệm của các hàng quán. Nếu như chỉ dừng ở việc nhắc nhở hay hô hào khẩu hiệu như hiện nay thì khó mà giảm thiểu được lượng rác từ hàng quán vỉa hè.

Về phần việc của mình, xã hội phân công mỗi người một công việc, nghề này cũng giống như nhiều nghề khác, tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình là giữ sạch mọi ngóc ngách trên các con phố. Ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai?

PV: Xin cảm ơn bà Nguyễn Thị Dung.

Nói rồi, bà Dung lại cầm chổi tiếp tục với công việc, hết quét lại nhặt lại gom rồi gồng mình lên đẩy chiếc xe chở rác cao quá đầu người. Chiếc áo phản quang cứ liên tục di chuyển, chiếc chổi cán dài vẫn đều đặn lia dài xuống mặt đường khô khan. Miệt mài và lặng lẽ, cứ như vậy, cả đoạn đường dài vài chục mét cùng vỉa hè rộng được bà Dung quét sạch dù biết chỉ vài tiếng sau thôi là phố lại nhộn nhịp những “rác”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Rác thải từ hàng quán vỉa hè – Mối nguy hại đối với môi trường (Bài 3): Gánh nặng đối với công nhân vệ sinh môi trường