Rực rỡ làng tăm hương Quảng Phú Cầu trước tết Nguyên đán
Mỗi dịp cận Tết, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) lại rực rỡ sắc màu, đậm nét đẹp truyền thống của làng nghề làm tăm hương hàng trăm năm. Khắp các ngả đường ở làng hương, không chỉ không khí hối hả của người làm hương mà còn là sự nhộn nhịp của rất nhiều du khách tìm về tham quan, chụp ảnh.
Theo người dân xã Quảng Phú Cầu, nghề làm hương ở đây có từ cách đây hàng trăm năm với hầu hết số hộ dân trong xã đều tham gia làm nghề. Hiện nay số hộ dân bám trụ với nghề đã vơi đi ít nhiều. Trong 6 thôn của xã thì Xà Cầu là thôn có số hộ làm hương nhiều hơn cả, các thôn khác chủ yếu sản xuất tăm hương. Hiện, cả xã có 2 người được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân là anh Nguyễn Tiến Thi (thôn Xà Cầu) và chị Nguyễn Thu Phương (thôn Quảng Nguyên).
“Để làm ra một que hương thành phẩm phải trải qua hơn 30 công đoạn, từ việc pha chế, tẩm ướp đến se sợi, nhúng que, vót tăm, nhuộm chân, se hương, làm thân hương, phơi khô… đều được làm theo quy trình chứ không thể “đốt cháy giai đoạn. Trước kia, người dân làm thủ công nhưng nay đã có máy se hương hiện đại, giúp tăng năng suất và giảm sức người, hơn nữa que hương cũng đều và đẹp hơn. Nghề tăm hương cũng vì thế trở thành công việc chính đem lại thu nhập cho người dân tại Quảng Phú Cầu”, anh Thi chia sẻ.
Gắn bó với nghề đã hơn 20 năm, anh Thi cho biết gia đình đã 5 đời làm hương nên sẽ tiếp tục gắn bó để giữ nét văn hóa truyền thống của quê hương, dòng tộc. Theo anh Thi, mỗi năm riêng cơ sở của anh bán ra thị trường hàng trăm tấn hương, với đủ các loại hương đen đến hương quế, hương trầm, hương bài…
Không chỉ là làng nghề sản xuất, Quảng Phú Cầu giờ đây còn trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Nhiều hộ dân trong làng đã sáng tạo sắp xếp những bó chân hương thành hình bông hoa, ngôi sao hay bản đồ Việt Nam, vừa để quảng bá làng nghề, vừa tạo điểm check-in độc đáo cho du khách. Sân đình làng hương là một trong những địa điểm thu hút nhất. Dưới ánh nắng, những bó chân hương rực sắc đỏ xòe tròn, tạo nên khung cảnh sống động.
Từ Hà Nam đi xe máy sang làng hương Quảng Phú Cầu, chị Nguyễn Thu Hằng cho biết, đã nghe và xem nhiều trên các trang mạng xã hội về vẻ đẹp của làng nghề truyền thống này nhưng khi được đặt chân trực tiếp đến đây vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
“Lúc xem trên mạng, chúng tôi rất hiếu kỳ về những hình ảnh độc đáo của làng nghề nhưng khi tận mắt chứng kiến lại cảm thấy thích thú hơn. Được chụp ảnh giữa những bó hương muôn màu sắc cảm giác như mình đang đi giữa phong cảnh chỉ có ở trong tranh, thích lắm. Nhưng khi được tự tay làm hương thì cảm giác không chỉ là tò mò mà còn rất hào hứng vì được chạm tay vào nghề làm hương cầu kỳ và công phu này”, chị Hằng chia sẻ.
Không chỉ khách từ các tỉnh lân cận mà du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi đến với làng hương Quảng Phú Cầu. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất, làng nổi danh với nghề sản xuất tăm hương hàng trăm năm qua, cung ứng hương đến khắp các tỉnh thành trên cả nước cũng như xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Từ ngày kết hợp sản xuất hương với cho khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm làm hương, Quảng Phú Cầu chính thức được công nhận là điểm du lịch của thành phố.
“Trừ những ngày trời mưa còn tất cả những ngày trong năm, người dân làng chúng tôi đều làm hương nhưng thời điểm nhộn nhịp nhất là những tháng cuối năm. Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, hầu như gia đình người Việt nào cũng thắp trong mấy ngày Tết nên trước Tết vài ba tháng, nhất là từ tháng Chạp, đơn đặt hàng tăm hương tại Quảng Phú Cầu tăng gấp nhiều lần so với ngày thường”, ông Nhất cho biết.
Cũng theo ông Nhất, lượng khách mỗi ngày đến Quảng Phú Cầu tham quan khoảng hơn 100 khách nhưng gần dịp lễ, tết sẽ đông hơn. Và để thu hút khách du lịch, nhiều hộ dân trong làng đã sáng tạo nhiều hình độc đáo, tạo ấn tượng với du khách.
Là người đã đi du lịch nhiều nơi, nhất là các nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan - Xứ sở chùa Vàng nhưng khi đến tham quan làng hương, chị Sia (khách du lịch đến từ Hoa Kỳ) vẫn cảm thấy thích thú khi được tận tay làm ra những nén hương, ấn tượng với màu sắc rực rỡ của những bó hương và cảm giác được chụp ảnh trong những khuôn hình tạo nên bởi các tăm hương là vô cùng ý nghĩa.
“Văn hóa và phong cảnh ở đây thật đẹp, yên bình. Làng hương đã mang lại cho gia đình tôi những bức ảnh tuyệt vời, đẹp hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi tưởng tượng”, chị Sia chia sẻ.
Những ngày cận Tết, các hộ làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường tăng vọt, hầu hết gia đình đều phải tăng cường nhân công, huy động cả người lớn lẫn trẻ nhỏ vào công việc. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, bên cạnh việc tạo điều kiện để các hộ dân giữ nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền xã đang tập trung đẩy mạnh mô hình du lịch làng nghề. Nhất là từ khi huyện Ứng Hòa tổ chức khánh thành điểm du lịch “Làng nghề tăm hương thôn Cầu Bầu” thì du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh ngày càng đông.
“Với sự giúp đỡ của Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Ứng Hòa, chúng tôi đang tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn đào tạo để các hộ dân có sự chuyên nghiệp trong phục vụ du khách. Hy vọng rằng với những lợi thế đang có, cùng với quyết tâm, Quảng Phú Cầu sẽ ngày càng thu hút được nhiều du khách hơn nữa”, ông Nhất cho biết.