Rừng phòng hộ  - Bài 3: Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ

Hương Nguyễn|13/05/2023 10:30

Trong bối cảnh hiện nay môi trường đang ngày càng bị đe dọa và các thảm họa thiên tai xảy ra với cường độ dày hơn, chúng ta cần phải biết cách bảo tồn, phát triển rừng hơn nữa, trong đó cần chú ý các biện pháp bảo vệ đối với rừng phòng hộ.

Khó khăn trong công tác quản lý

Thực tế những năm vừa qua cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do hạn chế về tài chính và các chính sách liên quan. Đây là bài toán cần sớm giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ban quản lý và các chủ rừng duy trì hoạt động bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao...

Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 15/1/2019) của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã chỉ rõ, thời gian tới phải tiếp tục nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và chất lượng rừng.

Các địa phương, đơn vị liên quan cần triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng; thống nhất thiết lập, quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Cần đẩy mạnh giao đất, giao rừng, nâng cao thu nhập và đời sống người làm lâm nghiệp... Theo đó, ngành lâm nghiệp và các địa phương có rừng trong cả nước đã tập trung mọi nguồn lực nhằm quản lý và phát triển rừng, trong đó có công tác quản lý bền vững rừng phòng hộ.

go-lam-nha.jpg
Tình trạng chặt cây rừng làm nhà ở, lấy lá cây rừng lợp mái nhà ở tỉnh Lai Châu.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có khoảng 440.000ha rừng tự nhiên. Việc thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu tích cực, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững, cải thiện đời sống những người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhờ vậy, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng tăng theo từng năm.

Giám đốc quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu, Tòng Thị Hương đánh giá, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức về bảo vệ chăm sóc và phát triển rừng của người dân nâng lên rõ nét. Giờ không những người dân bảo vệ rừng tốt mà họ còn tự bỏ tiền ra trồng rừng bổ sung, bảo vệ có trách nhiệm rừng phòng hộ đầu nguồn mà không còn trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước. Huyện Mường Tè là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu với hơn 140.000ha. Trên địa bàn huyện có đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Đây là dân tộc rất ít người trong 20 dân tộc đang sinh sống ở tỉnh Lai Châu. Từ xưa, người La Hủ đã quen với cuộc sống du canh, du cư.

Họ chặt cây rừng làm nhà ở, lấy lá cây rừng lợp mái nhà. Khi lá trên mái nhà ngả vàng và rụng xuống thì người La Hủ lại chuyển đi nơi khác. Cũng vì thế người La Hủ còn được gọi là dân tộc “Lá vàng”. Từ khi có các chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương vận động người La Hủ thành lập bản làng, định canh định cư, vì thế họ đã ổn định cuộc sống, không nay đây, mai đó như trước nữa. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đồng bào La Hủ đầu tư vào sản xuất, mua giống cây trồng, vật nuôi có giá trị để chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Người dân không chặt phá rừng, không đốt rừng làm nương; cùng chính quyền bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

Tại tỉnh Hòa Bình, nhờ làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, tỷ lệ che phủ rừng ổn định hơn 51,5%.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình Lê Minh Thủy cho biết, để bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra các đơn vị trực thuộc, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến rừng bằng ứng dụng phần mềm QGIS và máy tính bảng. Từ năm 2021 Chi cục đã hướng dẫn hạt kiểm lâm các huyện trên địa bàn thực hiện chuẩn hóa dữ liệu từ phần mềm QGIS sang (mbtiles) chuyển vào máy tính bảng của kiểm lâm địa bàn để theo dõi, cập nhật biến động về rừng và đất lâm nghiệp.

Chi cục thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở phân công kiểm lâm bám sát địa bàn, tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến nhân dân...

Hòa Bình có tổng diện tích rừng tự nhiên gần 461.000ha, trong đó có nhiều diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ... Hằng năm, tỉnh đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000ha, trồng mới từ 7.000 đến 8.000ha rừng kinh tế. Hiện toàn tỉnh đã trồng được 184.000 cây phân tán, 6.300ha rừng tập trung, vượt 7,4% kế hoạch; quản lý, bảo tồn gần 31.000ha rừng đặc dụng, phòng hộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có khoảng 4,64 triệu héc-ta rừng phòng hộ, bao gồm 3,84 triệu héc-ta rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn và các loại hình khác như rừng chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng ven biển, rừng bảo vệ môi trường.

Phần lớn diện tích rừng phòng hộ được quản lý bởi các ban quản lý thuộc các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, khoảng hơn 330.000 ha rừng đang được cộng đồng, hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý. Hiện cả nước có gần 400 ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ. Hầu hết rừng tự nhiên đang được quản lý có hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển và đất ngập nước, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh có các loài động, thực vật quý, hiếm.

Hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở Việt Nam đã hình thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, hai hệ thống này được quản lý và hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong khi chức năng lại tương đồng cho nên hiệu quả thấp, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực. Đây là những khó khăn, bất cập cần sớm giải quyết để nâng cao năng lực cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố, tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

trong-rung.jpg
Công tác trồng cây để bảo vệ rừng đầu nguồn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Ranh giới lâm phận quốc gia và ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch…

Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh việc hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thống lệ quốc tế.

Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng phòng hộ  - Bài 3: Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ