Tấp nập vào vụ trồng rừng tại Thái Nguyên và Cao Bằng

Nam Anh|27/02/2022 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các chủ vườn ươm ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng hiện đang tấp nập phục vụ mùa trồng rừng. Công tác kiểm soát chất lượng cơ sở sản xuất cây giống đã được siết chặt.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trồng 3.700 ha rừng tập trung, giảm hơn 770 ha so với năm ngoái. Để bảo đảm nguồn cây giống cũng như chất lượng, năng suất gỗ rừng trồng, lực lượng Kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật phát dọn thực bì, cuốc hố để chuẩn bị cho vụ trồng mới.

Năm 2022, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới trên 500 ha rừng, tập trung ở các địa phương: T.P Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Đồng Hỷ. Để chủ động nguồn cây giống phục vụ trồng rừng, từ quý 4/2021, Công ty đã tập trung nhân lực đóng bầu, tra hạt, gieo ươm các loại giống như: Bạch đàn, keo tai tượng, bồ đề… với số lượng hơn 1 triệu cây.

Nhân viên Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên trồng rừng vụ xuân

Ông Phạm Huy Bình, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên cho biết: “Ngay từ những ngày đầu năm mới, tranh thủ thời tiết có mưa ẩm, đất mềm, chúng tôi đã bắt đầu trồng rừng vụ xuân. Với phương châm “không để đất trống, khai thác đến đâu trồng ngay đến đó”, tính đến ngày 13-2, đơn vị đã trồng được hơn 50ha rừng”.

Được biết, năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.700 ha rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860 ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) từ 46% trở lên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo tai tượng, mỡ, quế, giổi xanh…

Để bảo đảm chất lượng nguồn cây giống, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất giống kém chất lượng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vườn ươm từ khâu chuẩn bị hạt giống, gieo ươm, cho đến lúc xuất vườn. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng rừng trồng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 27,9 triệu cây giống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, giá cây giống không có nhiều biến động. Cụ thể, keo tai tượng giống nội có giá từ 600-700 đồng/cây, keo tai tượng giống nhập ngoại có giá 1.000 đồng/cây; bồ đề 800 đồng/cây; bạch đàn nuôi cấy mô 2.700 đồng/cây… tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, lực lượng kiểm lâm cũng đã bám sát địa bàn để rà soát, thống kê phần diện tích khai thác và hiện trường rừng tập trung, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ trồng rừng chuẩn bị đầy đủ về vật tư phân bón, nhân lực, lựa chọn những cây giống lâm nghiệp có chất lượng để đưa vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng gỗ và chất lượng cây rừng.

Cùng với đó, các đơn vị thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại các huyện, thành, thị trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp thâm canh rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, cùng với việc tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân cách chăm sóc diện tích rừng đã trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên thông tin: Thời gian qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực đầu tư vốn, đưa nhiều loại cây giống có chất lượng cao vào trồng, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch trồng rừng hằng năm. Trong năm 2022, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản. Cùng với đó, thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp.

Thời tiết mưa, rét đậm, rét hại kéo dài làm cây giống phát triển không tốt so với mọi năm. Ảnh: Công Hải

Tỉnh Cao Bằng hiện có gần 10 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường 4 – 5 triệu cây giống để trồng rừng mỗi năm, không những đáp ứng nhu cầu của bà con trong tỉnh mà còn xuất bán đi khắp nơi. Giá cây giống năm nay ổn định, các loại cây như: Sa mộc, thông, xoan, mỡ, keo… trung bình từ 600 đồng đến hơn 1.000 đồng/cây.

Theo quy định, các cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp mới được sản xuất, kinh doanh cây giống và chỉ được sản xuất các giống đã được Sở NN- PTNT công nhận.

Cùng với kiểm tra, giám sát, các cơ quan chuyên môn cũng rà soát, cập nhật số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp để quản lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ vườn ươm về chọn giống cây lâm nghiệp.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết: Năm 2022, tỉnh trồng mới 1.800 ha rừng, trong đó 1.500 ha rừng sản xuất, 300 ha rừng thay thế (rừng phòng hộ), chăm sóc 544 ha rừng trồng; trồng gần 134.000 cây phân tán.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 220 ha rừng sản xuất; hơn 25.000 cây các loại đợt Tết trồng cây. Chi cục tiếp tục chỉ đạo các ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lâm các huyện khẩn trương triển khai kế hoạch trồng rừng theo đúng kế hoạch đề ra.

Những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có chuyển biến tích cực. Việc sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát đã dần được khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện trên thị trường nhiều cá nhân kinh doanh giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, một số loại giống mới có năng suất và chất lượng cao đã từng bước được bà con đưa vào sản xuất, như quế, hồi, sở keo lai nuôi cấy mô…

Nam Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tấp nập vào vụ trồng rừng tại Thái Nguyên và Cao Bằng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.