Cùng với đó, việc người dân phát hiện đường ống xả nước thải của Công ty Miza Nghi Sơn bị thủng một lỗ khá lớn ngay cống thủy lợi trước cổng Công ty, điều này khiến người dân và dư luận đặt nhiều dấu hỏi về việc xả thải của Công ty Miza Nghi Sơn có đúng với các quy định của pháp luật?.
Điểm xả nước thải của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn có đúng với Giấy phép xả thải được cấp?
Theo quyết định số 61/GP-UBND ngày 26/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cho phép Công ty TNHH Miza Nghi Sơn (có trụ sở tại Khu công nghiệp số 05 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được xả nước thải vào nguồn nước từ hoạt động của Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn với các nội dung chủ yếu sau:
Nguồn tiếp nhận nước thải: Sông Thạch Luyện;
Vị trí xả nước thải:
- Tại Khu công nghiệp số 05 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn.
- Tọa độ vị trí xả nước thải (theo hệ tọa độ VN-2000, kinh tuyến trục 105 độ, múi chiếu 3 độ), như sau: X=2140806 (m); Y=575630 (m)
Phương thức và chế độ xả thải: Nước thải sau xử lý được dẫn bằng hệ thống mương thoát nước chung của khu vực đến nguồn tiếp nhận và xả theo phương thức tự chảy.
Chế độ xả nước thải: 24 giờ/ngày đêm.
Lưu lượng xả nước thải lớn nhất: 2.971 m3/ngày đêm.
Cũng tại Điều 2 trong giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, yêu cầu đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn phải thực hiện:
- Thu gom, vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình, công nghệ đã trình bày trong hồ sơ đề nghị cấp phép; bảo đảm các thông số chất lượng nước thải luôn đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả ra nguồn nhận; thực hiện đúng các cam kết như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp phép.
- Thực hiện quan trắc nước thải và nguồn tiếp nhận như sau:
- Quan trắc lưu lượng nước thải: Quan trắc liên tục lưu lượng nước thải xả ra nguồn tiếp nhận, qua đồng hồ đo lưu lượng xả thải tại vị trí đầu ra hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy.
- Quan trắc chất lượng nước thải: Quan trắc định kỳ chất lượng nước thải sau khi xử lý, từ hoạt động của Nhà máy, trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, các thông số quan trắc theo quy định, tần suất quan trắc ba (03) tháng/lần.
- Quan trắc nguồn nước tiếp nhận: Quan trắc định kỳ chất lượng nước sông Thạch Luyện tại vị trí cách điểm tiếp nhận nước thải 50m về phía thượng lưu và 50m về phía hạ lưu; các thông số quan trắc theo QCVN 08MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (cột B1); tần suất quan trắc ba (03) tháng/lần.
- Lập sổ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải của cơ sở trước khi xả ra nguồn tiếp nhận và chất lượng nước sông Thạch Luyện.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có bất kỳ thông số nào không đạt quy chuẩn và phải dừng ngay việc xả nước thải để thực hiện các biện pháp khắc phục.
- Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường các cấp; nếu có sự cố bất thường liên quan đến việc xả nước thải phải dừng ngay xả thải, thực hiện khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước, đồng thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Hằng năm (trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo), tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Nghi Sơn về tình hình thu gom, xử lý nước thải, xả nước thải và các vấn đề phát sinh trong quá trình xả nước thải; các kết quả quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải và nước nguồn tiếp nhận theo quy định.
Ngoài ra, tại Điều 4: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải từ hoạt động của nhà máy; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với chất lượng nước thải của công ty TNHH Miza Nghi Sơn.
Tuy nhiên, trong quá trình đi thu thập thông tin để phản biện về việc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường đối với người dân tại các thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm; thôn Thông Bái, xã Tân Trường; TDP Hải Lâm, phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phóng viên và người dân đi cùng đoàn kiểm tra của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường đã ghi nhận và phát hiện một số vấn đề liên quan đến việc xả nước thải của Nhà máy giấy Miza Nghi Sơn. Theo đó, Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang có dấu hiệu sử dụng diện tích mặt nước để phục vụ nuôi trồng thủy sản của hộ dân tại xã Trường Lâm thành điểm xả nước thải sau xử lý vào nguồn nước.
Được biết, ngày 30/12/2019, UBND xã Trường Lâm đã cho ông Nghiêm Văn Thịnh - người dân thôn Ninh Sơn nhận thầu mặt nước đê đồng sác mặn thôn Ninh Sơn để nuôi trồng thủy, hải sản với diện tích 4.347m2. Thời hạn hợp đồng là 05 năm, bắt đầu từ ngày 01/01/2020, ngày kết thúc hợp đồng là 31/12/2025; với mức giá 5 triệu đồng/năm. Ông Nghiêm Văn Thịnh phải sử dụng mặt nước đúng vị trí diện tích được giao, đúng mục đích trong hợp đồng, không xây dựng nhà cửa hoặc các công trình khác, chỉ nuôi trồng thủy, hải sản trong khu vực được giao thầu, không làm thay đổi hiện trạng về đất.
Ông Nghiêm Văn Thịnh có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản, diện tích đất, mặt nước được giao, không để người khác xâm lấn, lấn chiếm, giữ vệ sinh môi trường và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng lân cận.
Mục đích giao thầu mặt nước để nuôi trồng thủy sản giữa UBND xã Trường Lâm và ông Nghiêm Văn Thịnh đã có hiệu lực, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại (hơn 02 năm sau khi hợp đồng thầu được ký kết), diện tích mặt nước trên được ông Nghiêm Văn Thịnh có dấu hiệu sử dụng chưa đúng mục đích và trở thành vị trí xả nước thải sau xử lý của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn.
Để tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã nhiều lần liên hệ với ông Nghiêm Văn Thịnh (chủ đầm) nhưng không có kết quả. Làm việc với ông Cao Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn thì PV chỉ nhận được những câu trả lời chung chung: “Tôi không biết về vấn đề này, chúng tôi sẽ đi xác minh xem nội dung cụ thể thế nào. Nếu anh Thịnh cho công ty Miza Nghi Sơn thuê lại để xả thải, hoặc sử dụng sai mục đích thuê ban đầu, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng lấy lại đầm không cho anh Thịnh thuê nữa”.
Được biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, ngày 28/9/2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã có công văn số: 4284 /UBND-TNMT gửi Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, về việc kiểm tra rõ nguồn gốc khu đất Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang sử dụng xả nước thải sau xử lý vào nguồn nước.
Công văn nêu rõ: “Tính từ đầu tháng 7/2022 đến nay, đã có ít nhất 05 đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện kiểm tra và yêu cầu Công ty khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, trong 3 ngày 19 – 21/9/2022, Đoàn kiểm tra do Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức làm việc, kiểm tra tại Công ty. Hiện nay chưa có kết luận chính xác. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cho thấy công tác bảo vệ môi trường tại Công ty còn nhiều hạn chế, bất cập”.
Liên quan đến nội dung phản ánh của người dân về việc vị trí xả nước thải sau xử lý của công ty (tiếp giáp đường vào mỏ sét) do Công ty thuê lại đất nuôi trồng thủy sản do UBND xã Trường Lâm giao thầu cho công dân trên địa bàn. Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn yêu cầu “Chủ tịch UBND xã Trường Lâm xác định có hay không việc Công ty thuê đất nuôi trồng thủy sản do UBND xã giao thầu cho hộ gia đình, cá nhân để xả nước thải và kiểm tra, làm rõ nguồn gốc, loại đất, người sử dụng đất, việc cho thuê, thầu đất của xã với hộ gia đình, cá nhân để kiểm tra, làm rõ, xử lý các nội dung vi phạm theo thẩm quyền (nếu có). Báo cáo kết quả giải quyết về UBND thị xã Nghi Sơn trước ngày 10/10/2022”.
Như vậy, câu hỏi đặt ra: Tại thời điểm người dân và đoàn kiểm tra Cục bảo vệ môi trường miền Bắc phát hiện (20/9/2022) việc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang có dấu hiệu xả nước thải ra một điểm khác, điểm tiếp nhận nước thải của Công ty xả ra không phải là sông Thạch Luyện như vậy đã đúng với Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép hay chưa?. Công ty xả thải ra khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của người dân từ bao giờ?. Vừa qua các đoàn kiểm tra có phát hiện và lấy mẫu phân tích nước thải tại điểm xả thải của công ty ra đầm nuôi truồng thủy sản này hay không?. Đồng thời, việc tự ý sử dụng diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản của hộ dân xã Trường Lâm thành điểm xả nước thải vào nguồn nước của công ty trong thời gian vừa qua chính quyền xã Trường Lâm và các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra có phát hiện ra?.
Việc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang có dấu hiệu xả nước thải ra một điểm khác, không phải là Sông Thạch Luyện so với Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép. Vậy câu hỏi mà dư luận và người dân đặt ra: Liệu kết quả từ số liệu quan trắc môi trường tự động đối với nước thải của nhà máy Miza Nghi Sơn được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường trong suốt thời gian qua có thực sự khách quan?.
Lỗ thủng đường ống dẫn nước thải của Công ty Miza Nghi Sơn "sự cố" hay "nhân tạo"?
Tại buổi kiểm tra của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường ngày 20/9/2022, sau khi được đề nghị, khuyến khích tham gia cùng đoàn để có được những góc nhìn và thông tin khách quan, đa chiều. Người dân thôn Ninh Sơn, TDP Hải Lâm và thôn Thông Bái đã tích cực đưa đoàn đi kiểm tra những điểm xả thải, được nghi ngờ là đang gây ô nhiễm tác động đến môi trường và cuộc sống của địa phương.
Tại thời điểm cùng đoàn đi kiểm tra, người dân đã phát hiện 1 đường ống dẫn nước thải của công ty có dấu hiệu bị cắt; vết cắt được ước lượng có chiều dài khoảng 30 cm, rộng khoảng 10 cm, tạo thành một lỗ thủng to chừng 2 lòng bàn tay người lớn. Nước thải theo lỗ thủng rò rỉ ra môi trường, có màu nâu, sủi bọt trắng.
Chia sẻ với PV, Anh L.V…, thôn Thông Bái, người dân trực tiếp phát hiện ra sự việc này cho biết: “Đường ống này nằm sâu trong lòng cống thủy lợi, nếu không chịu khó chui vào kiểm tra thì chắc chắn sẽ không phát hiện ra “sự cố” này. Nhìn lỗ thủng to như vậy, tôi nghĩ sẽ có một lượng lớn nước thải bị rò rỉ ra ngoài. Về vấn đề môi trường, nhà máy này có nhiều bất cập lắm, không phải tự nhiên mà chỉ hơn 1 năm nhà máy đi vào hoạt động, người dân nơi đây phải viết đơn thư kiến nghị, kêu cứu đến 2 lần; cũng chả tự nhiên mà báo chí vào cuộc, rồi hết đoàn thanh tra này, đến đoàn thanh tra khác phải về thanh, kiểm tra. Nhà máy có thể chối bỏ trách nhiệm hay công khai thách thức, nhưng hãy nhớ, chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng!”
Ngoài anh L.V…, khi chứng kiến việc ống xả thải của nhà máy giấy Miza Nghi Sơn bị thủng, đa phần người dân có mặt đều cảm thấy vô cùng bức xúc. Một loạt câu hỏi được người dân đặt ra: “Lỗ thủng này có từ bao giờ?. Đã có bao nhiêu m3 nước thải theo lỗ thủng này bị rò rỉ ra ngoài môi trường?. Những dòng nước thải có màu nâu, sủi bọt trắng được công ty xả ra môi trường có đảm bảo thông số?. Lượng nước thải này xả ra có ảnh hưởng gì đến môi trường?. Lỗ thủng đường ống này có dấu hiệu nhân tạo, vậy sau sự việc này, động cơ, mục đích là gì?. Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra làm rõ và thông tin tới người dân và dư luận được biết.
Trước đó, nhằm tìm hiểu thu thập thông tin phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn hoạt động gây ô nhiễm và việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngày 26/7/2022, phóng viên đã liên hệ với ông Lê Văn Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn để công ty bố trí buổi làm việc. Ông Hiệp có hẹn với phóng viên mấy ngày sau sẽ bố trí làm việc, tuy nhiên khi phóng viên liên hệ lại với ông Hiệp để biết lịch làm việc cụ thể vào ngày nào thì ông Hiệp không hồi âm. Tiếp đó, ngày 04/8/2022, phóng viên tiếp tục đặt lịch làm việc với Công ty, mặc dù nhiều lần liên hệ với ông Hiệp nhưng từ đó đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được lịch làm việc và cung cấp thông tin, tư liệu về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của Công ty cho PV để tòa soạn có thông tin đa chiều, khách quan đến người dân và dư luận.
Người dân và dư luận đang trông chờ sự vào cuộc kiểm tra một cách khách quan, trách nhiệm, minh bạch của đoàn kiểm tra Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường, nhằm kiểm tra xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý những dấu hiệu sai phạm của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn (nếu có) thật công tâm và đúng các quy định của pháp luật để mang lại niềm tin và trả lại môi trường sống trong sạch cho nhân dân tránh sự bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Sau khi có thông tin mới nhất về kết luận kiểm tra, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc được biết.