Thanh Hóa: Dự án nạo vét sông Lạch Trường “Cát tặc” núp bóng lộng hành

20/11/2016 08:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Mấy năm qua, hàng trăm hộ dân sống ven bờ sông thuộc 2 huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã phải “oằn mình” gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng từ dự án nạo vét sông Lạch Trường. Tình trạng tàu cát tặc núp bóng trà trộn cùng đội hình tàu nạo vét của dự án để hút cát trái phép đã làm sạt lở, sụt lún, khiến nhiều héc ta hoa màu bị tàn phá nặng nề… Sự việc đã rõ nhưng các bên liên quan vẫn không có biện pháp giải quyết, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm.

untitled12Đã có khoảng 4ha hoa màu của người dân sinh sống hai bên bờ sông Lạch Trường bị tàn phá nặng nề

Nạo vét lòng sông hay “tận diệt” hoa màu…

Năm 2012, dự án nạo vét sông Lạch Trường được thực hiện với mục tiêu mở rộng lòng sông Lạch Trường nhằm đảm bảo giao thông đường thủy, tăng cường nhu cầu tiêu thoát lũ, tăng lưu lượng mùa khô, tạo thuận tiện cho tàu thuyền vào tránh trú bão và cơ động trong tuần tra an ninh quốc phòng, cải thiện môi trường phía hạ du sông. Xây dựng hoàn thiện các tuyến đê, gia cố và cứng hóa các đoạn đê sung yếu nhằm bảo vệ nhân dân, nâng cao công tác cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa bão…

Thế nhưng, kể từ khi có dự án thì cũng là lúc những hệ lụy bắt đầu bủa vây cuộc sống nhiều hộ dân sống hai bên bờ sông nơi đây. Bên cạnh những chiếc tàu phục vụ dự án thì còn có rất nhiều “vòi rồng” thi nhau cắm xuống lòng sông hút trộm cát suốt ngày đêm khiến môi trường bị ô nhiễm, hiện tượng sạt lở, sụt lún bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Chị N.T.D (trú thôn Bút Cương), là hộ dân mất đất canh tác chia sẻ: “Tôi làm ruộng ở đây đã hơn 20 năm, trước đây thì thi thoảng mưa bão cũng có sạt lở bờ sông nhưng không đáng kể. Khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, khi bắt đầu có dự án thì tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng. Nhà tôi có hai ô ruộng mà nay chỉ còn lại có nửa ô. Nhiều lần người dân chúng tôi cấp báo đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết.”

Mới đây nhất là tình trạng sạt lở đất hoa màu tại khu vực canh tác đất xâm canh khu vực Bãi Soi của người dân ở xã Hoằng Phúc (huyện Hoằng Hóa). Những thửa lạc, đồng ngô liên tục bị sạt lở lấn sâu vào bờ, hai bên bờ sông xuất hiện những “hàm ếch” do quá trình nạo vét để lại. Có những hộ dân bị sạt lở dẫn đến mất đất, dòng sông cứ thế lấn sâu vào lòng ruộng đến cả nửa thửa… Quá bức xúc trước sự việc, vào tháng 5/2016 vừa qua, hơn 20 hộ dân tại thôn Bút Cương (xã Hoằng Phúc) đã kéo nhau lên UBND huyện Hoằng Hóa để đòi lại công bằng, phản đối và yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn ngay nạn cát tặc lộng hành, đền bù thiệt hại hoa màu cho người dân.

32Lòng sông Lạch Trường đang bị xói mòn, đục khoét thành từng hàm ếch

Được biết, trước phản ánh của người dân, vừa qua tại trụ sở UBND huyện Hoằng Hóa, đồng chí Nguyễn Đình Tuy – Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các phòng ban đã có buổi họp tiếp hơn 20 công dân tại thôn Bút Cương (những người dân bị thiệt hại hoa màu do nạn hút cát). Mới đây nhất phía lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa đã có thông báo kết luận số 57/TB –UBND ngày 6/6/2016. Trong thông báo nói rõ, việc thực hiện dự án nạo vét sông Lạch Trường đoạn qua địa bàn huyện Hoằng Hóa của Ban Quản lý dự án giao thông II Thanh Hóa đã để một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa dự án hút cát trái phép, làm sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân và UBND các xã, thị trấn; đặc biệt tại các xã: Hoằng Phúc, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát và Hoằng Minh, diện tích đất nông nghiệp và hoa màu bị mất rất lớn (ước tính khoảng 4ha). Đề nghị Ban QLGT II tạm dừng công tác nạo vét và có giải pháp bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người dân.

Trao đổi với PV, ông Lê Hồng Quang – Trưởng phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết: “Hiện nguyên nhân việc sạt lở chưa được làm rõ, nhưng bên cạnh đó cũng một phần do nạn cát tặc gây ra. Phía lãnh đạo địa phương đang tổng hợp, thống kê tất cả lại để xác định việc mất đất, đồng thời phối hợp với BQL DA Giao thông II tiến hành phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang có biện pháp tăng cường quản lý đất đai, khoáng sản, thành lập hoặc kiện toàn lại các tổ tuần tra, canh gác nghiêm ngặt hơn. Thông báo cho người dân khi phát hiện có tàu cát tặc thì cần báo ngay cho chính quyền và lực lượng chức năng để được xử lý kịp thời.”

Tuy thông báo, kết luận của UBND huyện là thế, nhưng đến nay người dân địa phương nơi đây vẫn chưa biết đến tiền đền bù là gì? Mặt khác chính những người dân nơi đây vẫn đang phải ngày đêm chống trọi, đau đáu trong lòng nỗi lo mất đất, mất ruộng lúc nào không hay.

Những “con tàu không số” …

Trong suốt thời gian qua, ngoài những tàu hút phục vụ dự án thì trên bờ sông Lạch Trường còn xuất hiện rất nhiều tàu hút cát không rõ số hiệu đang ngày đêm hút cát. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, thế nhưng chính quyền địa phương chỉ biết lặng thinh vì “lực bất tòng tâm”.

“Những tàu cát tặc này hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên rất khó xử lý. Mặt khác do lực lượng còn khá mỏng, khi phát hiện thì không có lực lượng, khi lực lượng đến thì chúng đã đi từ rất lâu rồi nên rất khó xử lý.” Ông Quang cho biết thêm.

Theo phản ánh của người dân thì việc phân biệt tàu của dự án và tàu cát tặc là điều rất khó. Bởi, trong quá trình thực hiện dự án người dân hoàn toàn không nắm rõ được kế hoạch, thời gian hút cát cụ thể như thế nào.Thế nên, việc phát hiện tàu cát tặc là hoàn toàn không thể.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Ban QLGT 2 cho biết: “Kể từ trước kia thì nạn cát tặc này đã diễn ra hết sức phức tạp. Khi có dự án đến nay thì tình trạng đó vẫn diễn ra, tuy nhiên do số lượng tàu cát này hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên chúng tôi rất khó kiểm soát. Những con tàu được phục vụ cho dự án được đánh số hiệu rất rõ ràng, hoạt động trên khuôn khổ, quy định nghiêm ngặt. Việc phía địa phương đòi bồi thường từ Ban QLDA 2 là hoàn toàn vô lý. Hễ người dân cứ thấy có tàu hút cát là đổ lỗi cho phía Ban là không đúng. Đến nay sạt lở hoa màu lại cũng đổ lỗi cho phía Ban là không phải. Hiện đã có kết luận cụ thể về vụ việc. Cái này chúng tôi không có quyền rót tiền về đền bù như thế được.”

“Nhiều lúc quá bức xúc, chúng tôi đã tập trung ra xua đuổi bọn cát tặc, nhưng chúng hung hãn, thậm chí đôi lúc còn hành hung lại nên đành bất lực. Nhiều lần kiến nghị đến chính quyền nhưng được một thời gian rồi lại đâu vào đó. Không hút ngày nữa thì bọn chúng lại quay sang hút vào ban đêm. Có hôm chúng cắm cả vòi hút dài đến vài chục mét rồi cứ thế hút đến sáng…” Một người dân địa phương cho hay.

Vấn nạn cát tặc lộng hành trên sông Lạch Trường đang ngày một ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Thiết nghĩ, sắp đến mùa mưa bão, rất mong chính quyền địa phương cần có sự quản lý sát sao hơn nữa để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, hàng trăm héc ta hoa màu của người dân không cánh mà bay. Có hay không việc dự án nạo vét sông Lạch Trường đang tàn phá hoa màu của người dân, có hay không việc cát tặc ngang nhiên lộng hành khiến nguồn tài nguyên khoáng sản đang bị đe dọa? Câu hỏi này xin được gửi đến các cấp lãnh đạo địa phương để làm rõ hơn nữa, qua đó tìm phương án giải quyết triệt để, giúp người dân an tâm làm ăn sinh sống…!

(Theo Thanh Tùng/Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Dự án nạo vét sông Lạch Trường “Cát tặc” núp bóng lộng hành