Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải đạt 19 tiêu chí. Trong đó tiêu chí về môi trường quy định xã không có các hoạt động gây suy giảm môi trường; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, tại nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Hậu Lộc, môi trường và cảnh quan nông thôn đang theo chiều hướng đi xuống, thậm chí một số nơi ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Rác thải bủa vây, môi trường đi xuống!
Dọc các trục đê ngăn biển của xã Minh Lộc dễ dàng bắt gặp các bãi rác lộ thiên được hình thành sau mỗi chuyến tàu, thuyền cập bến; hoặc đến từ hoạt động của các cơ sở sơ chế hải sản. Người dân địa phương cho biết: "Quỹ đất của các xã ven biển có hạn, chế biến hải sản ngay tại nơi ở, nên việc xả rác thải, nước thải ra môi trường là bất đắc dĩ. Cực chẳng đã chúng tôi mới phải sống như vậy”.
Nằm cách xã Minh Lộc 15 km, xã Tiến Lộc cũng đang phải oằn mình chống nạn rác thải bủa vây. Theo ghi nhận của phóng viên, suốt dọc con kênh nằm cạnh ĐT.526B, đoạn chạy qua xã Tiến Lộc, rác thải sinh hoạt, sản xuất, trôi nổi trên bề mặt nước, phủ kín các miệng cống; nhiều điểm rác thải dồn ứ cả đoạn dài, lâu ngày không lưu thông nên đã phân hủy, gây mùi khó chịu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Người dân sống cạnh kênh nước khi được hỏi đều tỏ ra lo ngại cho sức khỏe của gia đình. Chị Lê Thị V., xã Tiến Lộc, chia sẻ: “Không hiểu rác thải từ đâu thải ra mà cứ dồn ứ về các miệng cống, gây cảnh tắc nghẽn. Nhiều đợt thấy ô nhiễm quá, người dân chúng tôi lại vận động tổ chức các chiến dịch thu vớt rác, làm sạch kênh nước, nhưng làm tái làm hồi vẫn không xuể, rồi đâu lại vào đấy. Không chỉ mất mỹ quan, vấn đề nghiêm trọng hơn cả là mối nguy cơ về sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Vấn đề này tôi nghĩ chính quyền nên dành sự lưu tâm, thậm chí xem đó là nhiệm vụ cần phải giải quyết sớm, dứt khoát”.
Thêm một điểm “nhức nhối” về vấn đề rác thải của xã Tiến Lộc nữa, đó là khu tập kết rác thải của địa phương. “Mục sở thị”, phóng viên chứng kiến cảnh rác thải bị đổ tràn lan, từ rác thải sinh hoạt, sản xuất, đến các loại rác khó phân hủy: tủ gỗ, kính, gạch…; rác thải còn bị người dân tự ý đốt vô tội vạ tại chỗ, khiến ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước xung quanh.
Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đang bị xem nhẹ?
Được biết, xã Minh Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, còn xã Tiến Lộc, đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Theo quyết định số 2540/2016 của Thủ tướng Chính phủ, các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Song lại không có quy định về việc thẩm định công nhận lại các tiêu chí. Chính điều này làm cho một số xã của huyện Hậu Lộc tự thỏa mãn với kết quả hiện tại. Cùng với đó, một số địa phương chỉ quy hoạch điểm tập kết rác để đủ điều kiện được công nhận nông thôn mới mang tính hình thức khó triển khai trong thực tế.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở hầu hết các xã đã về đích nông thôn mới của huyện Hậu Lộc, tiêu chí môi trường đều có dấu hiệu đi xuống? Đây thật sự là vấn đề nhức nhối của địa phương này, khi đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023. Đặc biệt, vấn đề còn trở nên nan giải hơn khi tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã tăng 7 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó có nhiều điểm mới, yêu cầu cao hơn như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường đạt từ 95% trở lên; Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn đạt từ 4m2/người; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 90% trở lên. Ngoài ra, có thêm một số tiêu chí khác về tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn bảo đảm 3 sạch và tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn bảo đảm vệ sinh môi trường đạt 100%.
Chia sẻ vấn đề trên, bà Nguyễn Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi chỉ kết hợp các chuyến đi công tác, hay nhận được phản từ người dân, báo chí để nhắc nhở, yêu cầu các huyện, xã đã về đích nông thôn mới phải chấn chỉnh lại công tác bảo vệ môi trường. Chứ chúng tôi không có nguồn kinh phí để tổ chức các cuộc kiểm tra hậu kiểm, nên không có báo cáo cụ thể về số địa phương không giữ vững tiêu chí môi trường sau khi về đích nông thôn mới”.
Đến cuối năm 2022, huyện Hậu Lộc đã đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023. Để về đích nông thôn mới cuối 2023, huyện đã đề ra các chương trình mục tiêu cụ thể: 03 xã Phong lộc, Cầu Lộc, Đồng Lộc đạt chuẩn nông thôn mới trước tháng 4/2023; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 đó là Liên Lộc, Quang Lộc, Minh Lộc. Đồng thời 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước tháng 06/2023 ( Hoa Lộc, Hưng Lộc, Phú Lộc) ; Thị trấn Hậu Lộc hoàn thành tiêu chí đô thị văn minh…
Bài toán về môi trường ở các xã nông thôn mới của huyện Hậu Lộc cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương đã về đích nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thiết nghĩ, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội nông thôn, rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa vùng nông thôn với thành thị. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã, đang thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương trâm: “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Tuy nhiên, nếu chính quyền không tăng cường quản lý, người dân – chủ thể của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không tự bảo vệ môi trường sống của chính mình thì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính họ sẽ rất khó có thể thực hiện được.
Quyết định 18/2022/QĐ-TTg của Chính phủ về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu bị thu hồi quyết định công nhận khi có từ 30% đến dưới 50% số tiêu chí xã (trong đó có một trong các tiêu chí: Thu nhập; Môi trường và an toàn thực phẩm; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Quốc phòng và An ninh) hoặc có từ 50% số tiêu chí xã trở lên không đáp ứng mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã nông thôn mới); Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu).
Huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao bị thu hồi quyết định công nhận khi: Có từ 30% số xã trở lên bị thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có từ 30% đến dưới 50% số tiêu chí huyện (trong đó có một trong các tiêu chí: Kinh tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Hệ thống chính trị - An ninh, trật tự - Hành chính công; An ninh, trật tự - Hành chính công) hoặc có từ 50% số tiêu chí huyện trở lên không đáp ứng mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (đối với huyện nông thôn mới); Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với huyện nông thôn mới nâng cao).