Thanh Hóa: Phạt 465 triệu đối với 2 cá nhân chuyển giao hàng chục tấn chất thải nguy hại

Tuấn Kiệt|25/02/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định xử phạt hành chính 2 cá nhân có hành vi vi phạm về việc chuyển giao, tiếp nhận chất thải rắn trái quy định với số tiền 465 triệu đồng.

Cụ thể, phạt hành chính bà Nguyễn Thị Tặng (ngụ xã Ngọc Lâm, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) tổng số tiền 290 triệu đồng vì có các hành vi chuyển giao hơn 44,4 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường cho người không có chức năng, năng lực xử lý chất thải; và chuyển giao hơn 17,8 tấn chất thải rắn nguy hại cho người khác khi người đó không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Phạt hành chính tổng số tiền 175 triệu đồng đối với ông Giang Xuân Thanh (ngụ P.Đông Hải 2, quận Hải An, TP.Hải Phòng) vì có các hành vi vi phạm tiếp nhận hơn 44,4 tấn chất thải rắn của bà Nguyễn Thị Tặng (nêu trên) nhưng không có biện pháp xử lý, hoặc không chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý; tiếp nhận, xử lý chất thải nguy hại trong khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

chat-thai-nguy-hai.png
Lực lượng chức năng bắt quả tang lò đốt chất thải trái phép của bà Nguyễn Thị Tặng, Ảnh: Bộ Công An

Ngoài bị phạt tiền, UBND tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu bà Nguyễn Thị Tặng và ông Giang Xuân Thanh khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình chuyển giao, tiếp nhận, xử lý chất thải gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu đất ở đội 1, Nông trường Vân Du (TT.Vân Du, H.Thạch Thành, Thanh Hóa).

Số chất thải rắn trong vụ việc trên là các bản mạch, vi mạch vi tính, IC điện tử đã qua sử dụng được vận chuyển từ tỉnh khác về khu đất ở Nông trường Vân Du để đốt tách lấy đồng.

Căn cứ khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:

Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại
1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm sau đây:
a) Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;
b) Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
c) Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.

Trước đó, cuối tháng 5/2021, lực lượng của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) bắt quả tang vụ việc tập kết chất thải nguy hại tại lò đốt xây dựng trái phép trong khu vực Nông trường Vân Du.

Tại thời điểm bắt quả tang vụ việc, lực lượng chức năng phát hiện lò đốt đang hoạt động đốt các bản mạch, vi mạch vi tính, IC điện tử đã qua sử dụng để tách lấy đồng. Chủ lò đốt là bà Nguyễn Thị Tặng, bà này thuê lại khu đất của một người dân ở thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa và xây dựng lò đốt trái phép.

Bài liên quan
  • Tuyên Quang: Chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp
    Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Phạt 465 triệu đối với 2 cá nhân chuyển giao hàng chục tấn chất thải nguy hại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.