Thành lập Hội đồng EPR quốc gia có đại diện của nhà sản xuất, nhập khẩu và các tổ chức môi trường, xã hội

Minh Lâm|17/02/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ tư vấn, quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 252/QĐ-BTNMT thành lập Hội đồng EPR quốc gia.

Theo Quyết định số 252/QĐ-BTNMT, Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ chính là tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tư vấn, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng EPR quốc gia sẽ tổ chức xây dựng tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế, hoạt động xử lý chất thải và đề xuất Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt để công bố công khai; thẩm định, biểu quyết thông qua các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, hoạt động xử lý chất thải của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật và trình Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt; thông qua Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu và hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu và trình Bộ trưởng BT&MT xem xét, ban hành...

tai-che.jpg
Thành lập Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có nhiệm vụ chính là giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Về cơ cấu tổ chức, Bộ trưởng Bộ TN&MT là Chủ tịch Hội đồng EPR quốc gia. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Phó Chủ tịch thường trực và Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là Phó Chủ tịch. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT là Ủy viên thường trực. Các ủy viên của Hội đồng EPR quốc gia gồm đại diện của các Bộ: TN&MT, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương; đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam và Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam.

Hội đồng EPR quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, bảo đảm nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành. Hội đồng EPR quốc gia được sử dụng con dấu của Bộ TN&MT trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ trưởng Bộ TN&MT giao.

Tránh nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là gì? Là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết.

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ những đối tượng không phải thực hiện EPR, gồm: nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; nhà sản xuất bao bì có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỉ đồng; nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỉ đồng.

Theo quy định của pháp luật, việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế hay hỗ trợ xử lý chất thải phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng mục đích. Việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải phải được công khai hàng năm trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo và có sự tham gia quyết định, giám sát bởi đại diện của các nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có các hành vi như: không công khai, cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì; vi phạm quy định thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức tái chế; vi phạm quy định về thực hiện tỷ lệ tái chế bắt buộc; vi phạm quy định nộp đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế, có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 2 tỷ đồng và buộc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài hình phạt tiền, doanh nghiệp đó còn buộc phải cung cấp thông tin, công khai thông tin; buộc chấm dứt hợp đồng và công khai thông tin vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập Hội đồng EPR quốc gia có đại diện của nhà sản xuất, nhập khẩu và các tổ chức môi trường, xã hội