Emagazines

Thời trang nhanh và những tác động đến môi trường - Bài 3: "Thời trang bền vững" mới là tương lai lâu dài cho ngành công nghiệp thời trang

Thanh Thảo - Hoàng Thơ 22/11/2024 09:34

Hiện nay, thời trang nhanh đã khẳng định vị thế vững chắc nhờ vào sự tiện lợi và giá thành thấp, nhưng mặt trái của nó lại là những tác động tiêu cực đối với môi trường. Việc chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững không chỉ là cơ hội để ngành thời trang tái cấu trúc mô hình sản xuất mà còn để xây dựng một tương lai lâu dài, nơi lợi ích kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

1920x1080-1.png
la1111.png

Trong suốt vài thập kỷ qua, ngành công nghiệp thời trang nhanh đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào mô hình sản xuất chi phí thấp, tốc độ nhanh chóng và khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển này lại kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường. Từ việc thải ra hàng triệu tấn rác thải quần áo mỗi năm, cho đến ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, ngành thời trang nhanh đang đặt ra một bài toán khó cho tương lai bền vững của hành tinh nói chung và ngành công nghiệp thời trang nói riêng. Vì vậy, đã đến lúc cần chuyển đổi từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững - một xu hướng phát triển không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một nền kinh tế lâu dài, hài hòa với thiên nhiên.

Giảm thiểu ô nhiễm do thời trang nhanh

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ thời trang nhanh, cần có một sự thay đổi từ cả phía doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng. Và sự thay đổi cần phải diễn ra từ từ, không phải là câu chuyện “ngày một, ngày hai”.

Nghiên cứu lựa chọn sáng tạo vải tái chế, vải sợi thân thiện môi trường

Nghiên cứu và phát triển các loại vải tái chế, vải sợi thân thiện với môi trường là một trong những bước tiến quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ngành thời trang nhanh.

Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty dệt may chuyển sang sử dụng vật liệu tái chế để giảm bớt tác động đến môi trường. Ví dụ công ty sản xuất nylon từ lưới đánh cá tái chế, trong khi công ty khác tập trung vào bông và polyester sau khi tiêu dùng… Chất thải không biến mất và các doanh nghiệp có tư duy tương lai này muốn tạo ra những điều mới mẻ từ nó.

Không chỉ hàng dệt may giúp ích cho môi trường thông qua việc tái chế. Một số thương hiệu cho biết các quy trình sản xuất vải dệt của họ giúp giảm 98% lượng nước sử dụng và cắt giảm 90% lượng khí thải carbon dioxide. Những loại vải mới này vẫn chưa phổ biến, nhưng chúng có thể trở nên phổ biến hơn khi mọi người biết đến chúng. Nhiều người tiêu dùng có ý thức đang mong muốn giúp đỡ hành tinh bằng cách chọn trang phục thân thiện với môi trường và đây là một cách để làm điều đó.

capture(8).png
Nghiên cứu và phát triển các loại vải tái chế, vải sợi thân thiện với môi trường là một trong những bước tiến quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ngành thời trang nhanh

Vải sợi thân thiện môi trường được chú ý đến hiện nay sử dụng chất liệu có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tái chế, an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng và quá trình sản xuất vải thân thiện với môi trường. Quy trình sản xuất những loại vải này đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt, nhằm góp phần giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại, đồng thời tiết kiệm nước, giảm lượng nước thải ra môi trường và tái tạo đất. Có thể kể đến nhiều loại vải đang được sử dụng như:

capture(9).png
Vải tái chế từ chai nhựa (Recycled Polyester)

Vải tái chế từ chai nhựa (Recycled Polyester): Loại vải này được sản xuất từ các chai nhựa tái chế, góp phần làm giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Recycled polyester có độ bền cao, chống nhăn và giữ màu tốt, phù hợp cho các sản phẩm thời trang bền vững. Đồng thời giảm thiểu việc tiêu thụ nguyên liệu hóa thạch, giảm lượng chất thải nhựa và hạn chế khí thải trong quá trình sản xuất.

capture(10).png
Vải từ sợi bông hữu cơ (Organic Cotton)

Vải từ sợi bông hữu cơ (Organic Cotton): được trồng không dùng hóa chất như thuốc trừ sâu hoặc phân bón tổng hợp. Vải bông hữu cơ ít gây dị ứng, mềm mại và thân thiện với da, phù hợp với cả quần áo trẻ em. Cùng với đó, giảm ô nhiễm đất và nguồn nước, bảo vệ sức khỏe của nông dân và hệ sinh thái xung quanh các khu vực trồng bông.

capture(11).png
Vải từ sợi tre (Bamboo Fiber)

Vải từ sợi tre (Bamboo Fiber): Sợi tre là một nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường vì tre có thể phát triển nhanh chóng mà không cần nhiều nước hoặc hóa chất. Vải tre mềm mại, thoáng khí, chống khuẩn và có độ bền cao. Đây là lựa chọn tốt cho quần áo mặc hàng ngày và đồ thể thao. Tre giúp chống xói mòn đất, làm sạch không khí và giảm thiểu lượng carbon trong khí quyển.

capture(12).png
Vải từ sợi lanh (Linen)

Vải từ sợi lanh (Linen): Vải lanh được làm từ cây lanh (flax), một loại cây cần ít nước và hóa chất hơn bông để phát triển. Lanh có độ bền cao, thoáng khí và phân hủy sinh học, là lựa chọn hoàn hảo cho quần áo mùa hè. Đồng thời giúp giảm thiểu nước và hóa chất trong quá trình sản xuất, thân thiện với hệ sinh thái và có thể tái chế…

vhh1.png

Sử dụng các công nghệ tiên tiến giảm lượng nước thải và tái sử dụng lại nước thải

Hạn chế nước thải ở các công đoạn của ngành thời trang nhanh và tái sử dụng nước thải là một nhu cầu rất cấp thiết hiện nay. Điều này không chỉ do vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước sạch khan hiếm mà còn ở nguyên nhân các chi phí nguyên liệu đầu vào cũng ngày một tăng khiến các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất phải tối ưu chi phí sản xuất và vận hành.

capture(13).png
Sử dụng các công nghệ tiên tiến giảm lượng nước thải và tái sử dụng lại nước thải

Tái sử dụng nước thải còn đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái và cộng đồng. Tái sử dụng nước thải dệt may là một giai đoạn tiếp theo của quá trình xử lý nước thải trong các nhà máy dệt may, dệt nhuộm, nó giải quyết một phần lớn lưu lượng nước thải sau xử lý xả ra môi trường, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, đảm bảo một môi trường xanh sạch cho sự phát triển bền vững. Hiện nay việc tiết kiệm nguồn nước cấp, giảm nước thải đã được biết đến với một số công nghệ như: bọt nano (nano bubble, công nghệ Ozone, công nghệ cuộn ủ lạnh…).

Giảm việc sử dụng các quy trình độc hại

Một lựa chọn để các nhà sản xuất trong ngành thời trang nhanh thực hiện cải tiến là phân tích quy trình nào có tác động tiêu cực nhiều nhất cho môi trường, trái đất và tìm cách thay đổi hoặc loại bỏ chúng.

Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp không độc hại để sản xuất vải dệt không thấm nước, thoáng khí. Phương pháp này tạo ra một lớp phủ sáp carnauba trên bề mặt vải. Nhóm nghiên cứu cũng xác định rằng, các nhà sản xuất dệt may có thể nhuộm và chống thấm các vật liệu một cách đồng thời bằng cách sử dụng phương pháp của họ. Với lợi thế đa chức năng như vậy, kỹ thuật này cũng có thể hỗ trợ lợi ích môi trường bằng cách giảm tài nguyên được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Tăng cường tái chế và sử dụng lại

Nên khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái chế và tạo ra các chương trình thu gom và tái chế quần áo cũ.

Nhà thiết kế Lan Anh

Tăng cường tái chế và sử dụng lại quần áo, vải vóc là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực của thời trang nhanh lên môi trường. Thời trang nhanh tạo ra lượng lớn chất thải dệt may và tiêu hao tài nguyên không cần thiết, do đó, tái chế và tái sử dụng sẽ giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu rác thải. Một số biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này có thể kể đến như:

Thứ nhất, xây dựng và mở rộng hệ thống thu gom quần áo cũ. Các thương hiệu thời trang và tổ chức tái chế nên thiết lập các điểm thu gom quần áo cũ tại cửa hàng, trung tâm thương mại và khu dân cư để khuyến khích người tiêu dùng mang quần áo đã qua sử dụng đến tái chế. Từ đó, tạo điều kiện để quần áo không còn sử dụng được thu hồi một cách hiệu quả, giúp giảm thiểu lượng quần áo bị chôn lấp tại các bãi rác. Việc này cũng sẽ giúp giảm thiểu rác thải dệt may và khí thải carbon từ các bãi rác, bảo vệ nguồn nước và đất khỏi các chất hóa học độc hại từ quần áo cũ.

capture(14).png

Thứ hai, khuyến khích sửa chữa và tái sử dụng quần áo. Hãy tạo động lực cho người tiêu dùng sửa chữa quần áo thay vì vứt bỏ. Các cửa hàng có thể cung cấp dịch vụ sửa chữa, và các thương hiệu có thể tổ chức các workshop hướng dẫn kỹ năng may vá, tái chế quần áo. Từ đó, kéo dài vòng đời của quần áo, giảm nhu cầu mua sắm các sản phẩm mới và tiêu thụ tài nguyên. Đồng thời giúp giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu lượng nước, năng lượng cần thiết để sản xuất sản phẩm mới.

Thứ ba, tạo ra các sản phẩm thời trang từ vải thừa và quần áo cũ. Sử dụng vải vụn và quần áo cũ để tạo ra các sản phẩm mới như túi xách, phụ kiện, áo khoác, và các mặt hàng trang trí. Nhiều nhà thiết kế và thương hiệu đã bắt đầu áp dụng mô hình này để tối ưu hóa nguyên liệu. Từ đó, giúp giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu. Đồng thời, các sản phẩm từ vải tái chế thường có giá trị cao hơn do sự độc đáo và bền vững, giảm khối lượng vải vóc bị loại bỏ, giảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu mới, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

capture(15).png

Thứ tư, thúc đẩy thời trang tái chế và thời trang vintage. Thời trang vintage và second-hand trở nên ngày càng phổ biến. Các cửa hàng đồ cũ và nền tảng thương mại điện tử cũng cung cấp các sản phẩm đã qua sử dụng với giá cả phải chăng. Từ đó, tạo điều kiện cho các sản phẩm cũ được tái sử dụng và tiếp tục sử dụng qua nhiều thế hệ. Điều này giảm bớt nhu cầu mua sắm sản phẩm thời trang nhanh, giảm nhu cầu sản xuất và tiêu thụ mới, giảm tiêu hao tài nguyên và năng lượng.

Thứ năm, sử dụng các ứng dụng và nền tảng chia sẻ quần áo. Ứng dụng và nền tảng chia sẻ quần áo giúp người dùng cho mượn, trao đổi, và mua bán quần áo đã qua sử dụng. Các nền tảng này tạo cơ hội để người tiêu dùng làm mới tủ quần áo mà không phải mua sắm thêm. Từ đó, khuyến khích sử dụng lại quần áo, giúp người tiêu dùng tiết kiệm và đồng thời giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mới. Đồng thời, giảm tiêu thụ tài nguyên và khí thải carbon từ việc sản xuất và vận chuyển sản phẩm mới.

green-modern-mind-map-brainstorm.png

Thay đổi và nâng cao nhận thức người tiêu dùng

Việc giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Người tiêu dùng có thể góp phần giảm ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn những sản phẩm bền vững. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể để tăng cường giáo dục và nhận thức của người tiêu dùng:

capture(16).png

Thứ nhất, tổ chức các chiến dịch truyền thông về thời trang bền vững. Các tổ chức môi trường, thương hiệu thời trang và chính phủ có thể hợp tác để tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của thời trang nhanh và lợi ích của thời trang bền vững. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, quảng cáo truyền hình, và các sự kiện truyền thông để truyền tải thông điệp về việc giảm mua sắm không cần thiết, khuyến khích tái sử dụng và tái chế. Từ đó, tăng cường nhận thức cộng đồng về tác động của thời trang nhanh và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Thứ hai, tích hợp giáo dục về bền vững vào chương trình học. Các trường học, đặc biệt là trong các chương trình thiết kế thời trang, có thể đưa kiến thức về thời trang bền vững và các kỹ thuật tái chế vào giảng dạy. Từ đó, tạo nhận thức từ sớm cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc tiêu thụ thời trang và có ý thức bảo vệ môi trường.

capture(17).png

Thứ ba, khuyến khích phong cách sống tối giản và tiêu dùng có trách nhiệm và mua sắm có trách nhiệm, chỉ mua những gì thực sự cần thiết. Thông qua hình thức tạo ra nội dung chia sẻ về lợi ích của phong cách sống tối giản trên các nền tảng như mạng xã hội, tổ chức các hội thảo và lớp học về tiêu dùng bền vững. Qua đó, giúp giảm thiểu lượng quần áo mua sắm không cần thiết, từ đó giảm lượng rác thải và tài nguyên tiêu hao trong ngành thời trang.

Thứ tư, tăng cường giáo dục về tái sử dụng và tái chế quần áo, hướng dẫn người tiêu dùng cách tái chế, sửa chữa và biến tấu quần áo cũ thành các món đồ mới thay vì vứt bỏ. Tổ chức các buổi workshop dạy may vá, tái chế quần áo và các chiến dịch khuyến khích tái sử dụng, chẳng hạn như các sự kiện đổi đồ (clothing swap).

Thứ năm, xây dựng cộng đồng thời trang bền vững trên mạng xã hội. Các cộng đồng thời trang bền vững trực tuyến là nơi để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng về việc tiêu dùng thời trang một cách có trách nhiệm. Tạo các nhóm trên Facebook, diễn đàn, kênh Youtube và tài khoản Instagram để chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm về thời trang bền vững. Từ đó, tạo không gian kết nối cho những người có cùng mối quan tâm và giúp lan tỏa xu hướng thời trang bền vững đến nhiều người hơn.

capture(18).png

Thứ sáu, tổ chức các sự kiện và hội thảo về thời trang bền vững. Các sự kiện về thời trang bền vững sẽ cung cấp kiến thức chuyên sâu về tác động của thời trang nhanh và cách để mỗi người có thể giảm thiểu ảnh hưởng của mình lên môi trường. Qua đó, tăng cường nhận thức của người tiêu dùng và kết nối họ với các sản phẩm và thương hiệu bền vững.

Thời trang bền vững - Tương lai lâu dài cho ngành công nghiệp thời trang

“Thời trang bền vững” (Sustainable fashion) nói đến ngành công nghiệp thời trang không gây hại đến môi trường. Đây là một trong những mục đích của phát triển bền vững, mục tiêu tối quan trọng của mọi quốc gia và toàn thế giới. Bởi vậy mà nó ngày càng được coi trọng và quan tâm, đặc biệt trong thời điểm hiện tại.

la3.png

Sự ra đời của thời trang nhanh vào cuối thế kỷ XX, sự hao hụt tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hành vi người tiêu dùng. Việc hàng nghìn tấn rác thải mỗi năm đã khiến cho hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó mà "thời trang bền vững" được nhắc đến nhiều hơn, đi ngược lại với những quan điểm của thời trang nhanh. Cũng theo các chuyên gia, thời trang bền vững chính là tương lai lâu dài và hướng đi vững chắc cho ngành công nghiệp thời trang.

Tôi hướng tới sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Vì vậy, tôi lựa chọn thời trang bền vững. Việc theo đuổi thời trang bền vững đồng nghĩa với việc các thiết kế của mình còn gắn với các trách nhiệm xã hội nữa. Ngoài ra, khi nhận thấy những tác động tiêu cực của xu hướng thời trang nhanh đối với môi trường, tôi đã quyết định tìm hướng đi khác, riêng biệt, đó là “thiết kế không chỉ đẹp mà còn phải ý nghĩa và nhân văn, tốt cho sức khỏe, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.

Nhà thiết kế Lan Anh - Trưởng ngành thời trang Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), một trong những nhà thiết kế tiên phong phát triển theo xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam

Đặc điểm chính của thời trang bền vững thường xoay quanh các vấn đề của môi trường:

Thứ nhất, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường: Sử dụng vải tái chế, sợi tự nhiên và chất liệu hữu cơ nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tiêu thụ tài nguyên.

Thứ hai, quy trình sản xuất tiết kiệm tài nguyên: Áp dụng công nghệ tiết kiệm nước, năng lượng và giảm khí thải, hạn chế hóa chất độc hại.

Thứ ba, chất lượng và độ bền cao: Tạo ra sản phẩm chất lượng, bền lâu để hạn chế việc mua sắm nhiều lần, giảm thiểu rác thải.

Thứ tư, yếu tố công bằng lao động: Đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, lương công bằng và tôn trọng quyền lợi người lao động.

Thứ năm, minh bạch và trách nhiệm: Thương hiệu cung cấp thông tin rõ ràng về nguồn gốc, quy trình và tác động môi trường của sản phẩm.

Thứ sáu, khuyến khích tái chế và tái sử dụng: Tạo điều kiện và khuyến khích người tiêu dùng sửa chữa, tái sử dụng hoặc tái chế quần áo.

Trong bối cảnh hiện nay, thời trang bền vững nổi lên như một xu hướng tất yếu và là giải pháp khả thi nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành thời trang. Bởi nó không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, mà còn thúc đẩy một nền kinh tế công bằng và bền vững.

Một trong những lý do cốt lõi để khẳng định rằng thời trang bền vững là tương lai của ngành công nghiệp thời trang nằm ở khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngành thời trang hiện tại đang là nguyên nhân của khoảng 10% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu và tiêu thụ lượng nước khổng lồ, đặc biệt trong quá trình sản xuất sợi và nhuộm vải. Thời trang bền vững, với việc sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường như sợi tái chế, sợi hữu cơ và quy trình sản xuất tiết kiệm tài nguyên, góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí thải, tiết kiệm nước và giảm ô nhiễm hóa chất. Đưa thời trang bền vững thành tiêu chuẩn không chỉ giúp hạn chế lượng rác thải mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo rằng môi trường vẫn duy trì được trong nhiều thập kỷ tới.

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, thời trang bền vững còn tạo ra sự thay đổi tích cực về xã hội. Thời trang nhanh với chi phí thấp thường đi kèm với điều kiện lao động không đảm bảo, tiền công thấp và đôi khi là lạm dụng lao động, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, các thương hiệu thời trang bền vững cam kết đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, công bằng và có mức lương hợp lý cho người lao động. Họ đảm bảo rằng sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn về chất lượng mà còn mang lại giá trị cho xã hội. Sự chuyển đổi sang thời trang bền vững vì thế cũng là một bước tiến trong việc xây dựng một hệ thống kinh tế công bằng hơn, nơi mà quyền lợi của tất cả các bên được tôn trọng và đảm bảo.

capture(19).png
Một trong những lý do cốt lõi để khẳng định rằng thời trang bền vững là tương lai của ngành công nghiệp thời trang nằm ở khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường

Người tiêu dùng ngày nay ngày càng ý thức hơn về tác động môi trường từ những quyết định mua sắm của mình. Họ quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm, quy trình sản xuất và tác động môi trường của các sản phẩm thời trang. Chính vì vậy, thời trang bền vững đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, những người mong muốn sản phẩm vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Xu hướng này cũng giúp các thương hiệu xây dựng hình ảnh tích cực, tạo lòng tin nơi người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Trong tương lai, khi ý thức môi trường của xã hội tiếp tục được nâng cao, nhu cầu về thời trang bền vững sẽ ngày càng lớn và trở thành yếu tố quyết định trong sự tồn tại của thương hiệu.

thayhaaa.png

Sự chuyển đổi sang thời trang bền vững đã và đang thúc đẩy sự đổi mới trong ngành công nghiệp thời trang. Để đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, các thương hiệu đã đầu tư nghiên cứu các chất liệu mới, áp dụng công nghệ tiết kiệm tài nguyên và phát triển các quy trình sản xuất hiện đại như nhuộm vải không nước, sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn. Việc đầu tư vào công nghệ bền vững sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn trong tương lai, bởi nó giảm thiểu rủi ro từ việc cạn kiệt tài nguyên và tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp tiên phong trong thời trang bền vững sẽ tạo được sức hút, dẫn đầu xu hướng và là hình mẫu cho các doanh nghiệp khác noi theo.

Cuối cùng, trước những thách thức về cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu, thời trang bền vững là lựa chọn duy nhất để ngành công nghiệp thời trang có thể phát triển mà không hủy hoại môi trường. Việc khai thác tài nguyên một cách bền vững, giảm thiểu phát thải và hạn chế chất thải giúp bảo vệ hệ sinh thái và duy trì tài nguyên cho các thế hệ tương lai. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành thời trang mà còn là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Thời trang bền vững không phải là một xu hướng nhất thời mà là một chiến lược dài hạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành và bảo vệ hành tinh.

Từ “nhanh” sang “bền vững”: Chuyển đổi ra sao?

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội nhưng quá trình thực hiện không phải là điều đơn giản và cần phải thực hiện chuyển đổi về nhiều mặt, một cách từ từ, cẩn thận.

Một số thách thức trong việc chuyển đổi có thể kể đến như:

Thứ nhất, chi phí sản xuất cao hơn. Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí sản xuất của thời trang bền vững thường cao hơn so với thời trang nhanh. Việc sử dụng nguyên liệu bền vững (như sợi hữu cơ, vải tái chế), quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng và nước đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, máy móc và các phương thức sản xuất mới. Điều này làm cho giá thành sản phẩm cao hơn, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm thời trang nhanh vốn có giá rẻ.

capture(20).png

Thứ hai, khó khăn trong việc thay đổi chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng của ngành thời trang nhanh đã được tối ưu hóa để giảm thiểu chi phí và thời gian sản xuất. Tuy nhiên, chuyển sang thời trang bền vững đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong cách thức vận hành, từ nguồn nguyên liệu, quá trình sản xuất, đến phương thức phân phối. Việc thay đổi các nhà cung cấp, đảm bảo chất lượng bền vững và phát triển các đối tác phù hợp là một thách thức lớn đối với nhiều thương hiệu.

Thứ ba, thiếu sự hiểu biết và ý thức từ người tiêu dùng. Mặc dù nhận thức về vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng, nhưng không phải tất cả người tiêu dùng đều hiểu và sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm bền vững. Một số người có thể không nhận thức rõ ràng về sự khác biệt giữa thời trang nhanh và bền vững, hoặc họ chưa sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm. Đặc biệt, thời trang bền vững có thể không đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của những khách hàng mong muốn sự đổi mới và giá thành thấp của thời trang nhanh.

capture(21).png

Thứ tư, khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận. Các thương hiệu thời trang nhanh thường hoạt động với mô hình lợi nhuận cao nhờ việc sản xuất hàng loạt với giá rẻ. Khi chuyển sang thời trang bền vững, mặc dù sản phẩm có giá trị lâu dài hơn, nhưng lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Việc duy trì lợi nhuận trong khi đảm bảo các yếu tố bền vững có thể gây khó khăn cho các thương hiệu trong việc cạnh tranh và duy trì thị phần.

Thứ năm, hạn chế trong sự sáng tạo và thiết kế. Thời trang bền vững thường yêu cầu sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, hữu cơ hoặc tái chế, điều này có thể gặp phải một số hạn chế về màu sắc, chất liệu và khả năng sáng tạo. Việc thiết kế các sản phẩm độc đáo và thời thượng từ những chất liệu bền vững đôi khi gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường thời trang.

Thứ sáu, thiếu công nghệ và nghiên cứu. Mặc dù công nghệ để sản xuất thời trang bền vững đang phát triển, nhưng nó vẫn chưa phổ biến và có chi phí cao. Nhiều thương hiệu nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc áp dụng các công nghệ mới như nhuộm vải không nước, tái chế vải, hoặc sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng hạn chế khả năng chuyển đổi sang mô hình bền vững.

capture(22).png

Thứ bảy, áp lực từ các thương hiệu lớn. Các thương hiệu thời trang lớn và các nhà sản xuất hàng loạt vẫn duy trì các phương thức sản xuất rẻ và nhanh chóng. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng cho các thương hiệu nhỏ đang nỗ lực chuyển sang thời trang bền vững. Những thương hiệu lớn này có khả năng giảm giá sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, trong khi các thương hiệu bền vững lại không thể cắt giảm chi phí mà vẫn duy trì chất lượng và cam kết bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, vấn đề về tái chế và quản lý chất thải. Mặc dù thời trang bền vững khuyến khích tái chế và tái sử dụng, nhưng không phải tất cả các sản phẩm thời trang đều có thể tái chế hoàn toàn. Các vấn đề liên quan đến việc xử lý rác thải dệt may và tái chế quần áo vẫn còn rất hạn chế. Việc phát triển hệ thống tái chế hiệu quả và phổ biến đòi hỏi sự đầu tư và hợp tác chặt chẽ giữa các thương hiệu, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Theo tôi, nếu các nhà thiết kế đều tập trung nghiên cứu và sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường thì điều đó sẽ mang lại những hiệu quả rất tích cực cho thời trang xanh, an toàn cho cả sức khỏe người sử dụng và môi trường sống của chúng ta. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho bà con làng nghề hay các dân tộc thiểu số có việc làm ổn định.

Nhà thiết kế thời trang Vũ Việt Hà - Giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, chuyên ngành thiết kế thời trang Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Đồng thời cũng là một trong những nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam, dành nhiều tâm huyết cho xu hướng thời trang bền vững

Để chuyển đổi từ thời trang nhanh sang bền vững, điều đầu tiên tôi nghĩ chính là việc có thể thực hiện chuyển đổi trong thiết kế, cần sáng tạo hơn để tích hợp các yếu tố bền vững vào sản phẩm.
Thứ hai, cần tăng cường yếu tố giáo dục, tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của thời trang bền vững đối với người tiêu dùng.
Thứ ba, đó là sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ hoặc dự án cộng đồng nhiều hơn để nâng cao nhận thức và phát triển thời trang bền vững.

Nhà thiết kế Lan Anh - Trưởng ngành thời trang Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), một trong những nhà thiết kế tiên phong phát triển theo xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam

Trong một thế giới mà tác động tiêu cực của xu hướng thời trang nhanh ngày càng hiện hữu, thời trang bền vững nổi lên như một giải pháp để bảo vệ môi trường, duy trì tài nguyên và đảm bảo quyền lợi con người. Với khả năng giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên và thúc đẩy một xã hội công bằng, thời trang bền vững chắc chắn là tương lai vững chắc và lâu dài của ngành công nghiệp thời trang. Sự chuyển đổi này không chỉ là một lựa chọn mà là một nhu cầu cấp thiết, để ngành thời trang không chỉ tồn tại mà còn phát triển theo cách hài hòa với thiên nhiên và xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thời trang nhanh và những tác động đến môi trường - Bài 3: "Thời trang bền vững" mới là tương lai lâu dài cho ngành công nghiệp thời trang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.